Vai trò của trường học trong việc giáo dục phòng chống ma túy học đường cho học sinh - sinh viên là vô cùng quan trọng; trong đó, yêu cầu phải có một bộ sách phòng chống ma túy chính thống, phù hợp với từng độ tuổi dành riêng cho đối tượng này đang ngày càng trở nên cấp bách.
Ma túy xâm nhập học đường
Theo thống kê của Bộ Công an tính đến tháng 12/2020, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trong cả nước, đối tượng dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%.
Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt, với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại của ma túy tổng hợp, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy. Đây là là “hồi chuông” cảnh báo về sự nguy hiểm của ma túy đối với thế hệ trẻ học sinh, sinh viên.
Đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần có những giải pháp kịp thời, căn cơ, bảo đảm thực chất, hiệu quả để tiến tới đẩy lùi hoàn toàn tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng.Các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò. Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường… phát triển nhanh chóng nên số lượng người sử dụng ma túy là thanh thiếu niên ngày càng tăng.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” nhằm tăng cường các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy học đường.
Kế hoạch gồm 9 nhiệm vụ liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… Những nội dung chính đáng chú ý gồm: Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của nhà trường trên toàn quốc; Xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học; Triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh; Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh; Xây dựng và triển khai Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa...
Có thể thấy, trong 9 nhiệm vụ trên thì có tới 2 nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh. Điều này cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến vấn đề xây dựng và triển khai một bộ tài liệu phòng chống ma túy chính thống và phù hợp với từng cấp học nhằm phát huy hiệu quả cao nhất công tác phòng chống ma túy trong trường học.
Vì sao cần phải có bộ tài liệu chuẩn về phòng chống ma túy cho học sinh?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giáo dục phòng chống ma túy tại trường học còn nhiều hạn chế. Trong đó có việc truyền thông không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, sử dụng các thuật ngữ chưa phù hợp; các phương pháp, công cụ truyền thông chưa phát huy được hiệu quả cao, tần suất tuyên truyền còn ít, còn mang tính hình thức, các kỹ năng phòng ngừa ma túy còn sơ sài, chưa sát thực với tình hình thực tế, đặc biệt là chưa chú trọng đến nhóm có nguy cơ sử dụng ma túy cao,...
Nhiều em học sinh - sinh viên còn thiếu hiểu biết đúng đắn về ma túy và tác hại nguy hiểm của ma túy, chưa biết cách từ chối hoặc tố giác nếu bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo. Mặt khác, các em cũng chưa hiểu rõ các quy định pháp luật về tội phạm ma túy. Đặc biệt, việc chưa có tài liệu chính thống về phòng chống ma túy cho cộng đồng và cho học sinh - sinh viên cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác giáo dục phòng chống ma túy trong trường học chưa thực sự hiệu quả.
Để công tác phòng, chống ma túy trong trường học đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục các cấp học... Yêu cầu phải có một bộ tài liệu phòng chống ma túy chính thống, phù hợp với từng cấp học ngày càng trở nên cấp bách.
Sự ra đời và tầm quan trọng của bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy
Sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực: tâm lý, y học, sinh học thần kinh, xã hội học..., mới đây, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phòng chống ma túy (PSD) đã hoàn thành bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.
Thực hiện Công văn số 1477/KGVX-VPCP ngày 9/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về các chương trình trọng tâm năm 2021 trong công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Viện PSD được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh.
Chương trình tập huấn được tổ chức với mục đích đào tạo kiến thức, kỹ năng và thái độ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của chương trình; Bồi dưỡng kỹ năng tập huấn tới các đối tượng là giáo viên, cán bộ giáo dục, các bậc cha mẹ và các em học sinh THCS, THPT tại các tỉnh, thành phố.
Sau khi được tập huấn, các học viên sẽ nắm vững kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy; Hiểu rõ các đặc điểm xã hội, trình độ văn hóa, đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các đối tượng gồm: giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh ở các trường THCS, THPT để truyền đạt phù hợp, có hiệu quả cao.
Ngoài mục tiêu giúp công tác cai nghiện ma túy một cách bền vững, Viện PSD còn hướng tới làm giảm tác hại về sức khỏe và xã hội liên quan tới sử dụng ma túy, giúp người nghiện thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong gia đình, cộng đồng.
Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sách do Viện PSD biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, NXB Y học phát hành. Sách được giới thiệu trên trang chủ của NXB Y học. Các bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên quan tâm đều có thể tìm mua để đọc.