Chặn đường đòi nhà thầu tiền thi công
Trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng trên, thượng tá Lưu Thanh Hiệp, Phó trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an) cho biết: Tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai có 2 vấn đề nan giải.
Ở một số hạng mục nhỏ, nhà thầu phụ thuê người dân địa phương làm, khi làm xong không trả tiền khiến dân mang tre, nứa ra đường chặn đòi nợ. Thứ hai, một số điểm trên tuyến đường bị nứt, nẻ, sụt lún như km82+500 đến km83+500. Tới thời điểm này (7/10), nếu đem thước đo sẽ thấy rất rõ điểm sụt lún chênh lệch nhau lên đến mấy chục cm, thượng tá Hiệp nói.
Về sự việc trên, lãnh đạo Tổng Cty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, việc người dân dùng tre, nứa làm rào cản trở giao thông liên quan đến 2 nhà thầu phụ của Vinaconex là Cty TNHH Kinh doanh và Xây dựng Thành Đạt và Cty TNHH MTV Đức Thịnh, thực hiện gói thầu A8. Cụ thể, ngày 7 và 14/10, người dân xã Gia Phú và người dân xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Lào Cai đưa tre, nứa ra chắn đường tại km237 và tại điểm ra vào trạm soát vé IC17 để đòi tiền.
Đại diện VEC cho biết, tổng giá trị gói thầu là 2 tỷ 300 triệu đồng, theo hợp đồng xây dựng đến hết 31/12 sẽ hoàn thành và bàn giao cho VEC. Hiện Cty Thành Đạt còn nợ công nhân khoảng 400 triệu đồng, Cty Đức Thịnh còn nợ 27 triệu đồng.
Dắt trâu, bò qua đường
Thiếu tá Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt (Phòng 3) - C67 cho biết, vừa qua đơn vị đã phối hợp với VEC, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham gia khảo sát giao thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để phát hiện các điểm đen như lún nứt, sạt lở, biển báo cắm không đúng, không có hầm đường bộ để cho dân đi.
Quá trình khảo sát cho thấy, người dân có nhà ở làn bên tay trái nhưng ruộng lại nằm bên tay phải thì cần phải làm hầm đường bộ để người dân đi qua. “Hiện nay cứ bắt người dân đi bộ từ 10 đến 20 km mới đi sang đường được thì người ta đưa trâu, bò đi tắt qua đường cao tốc là dễ hiểu"- thiếu tá Huy nhận xét. Việc này, C67 đã có biên bản kiến nghị gửi cơ quan chuyên môn.
Thiếu tá Huy cảnh báo, người điều khiển phương tiện giao thông cần hạn chế dừng xe, vì tuyến đường cao tốc này chỉ có 1 đường vào và 1 đường ra. Trường hợp bị hỏng hóc bất ngờ phải có báo hiệu cho các phương tiện khác và phải đỗ xe vào điểm dừng xe theo quy định. Từ khi đưa tuyến đường này vào khai thác đến nay đã có một số tai nạn xảy ra, thiếu tá Huy cho biết.
Thượng tá Lưu Thanh Hiệp, Phó trưởng phòng 6 - C67 cho biết thêm, đoạn từ km122 đến Lào Cao chỉ làm 2 làn nhưng không có dải phân cách cứng, không khác gì đường cấp 3 đồng bằng, nếu người tham gia giao thông không nắm được rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Cùng với đó, nhiều đoạn không có đường dân sinh khiến nhiều người dân trèo qua dải phân cách, mang vác đồ đạc, thậm chí đi cả xe mô tô trên đường, trong đó có cả một số công nhân thi công...
Cần tăng cường bảo vệ tuyến đường
Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho biết, từ khi vận hành tới nay, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã xảy ra 3 vụ tai nạn chết người, nguyên nhân do tông vào người đi qua đường, tông vào xe đang dừng và nổ lốp. Trên tuyến đường hiện còn 10 điểm xung yếu đang được theo dõi gia cố. Ngoài ra, nhiều tấm rào để ngăn người dân và động vật lên đường cao tốc bằng thép bị tháo trộm, khu vực bị tháo trộm nhiều nhất là địa bàn TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Công an TP Vĩnh Yên đã vào cuộc điều tra.
C67 cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuần tra với các lực lượng như cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, xác định cụ thể địa bàn, đối tượng để bố trí lực lượng và phương thức tuần tra kiểm soát nhằm phòng ngừa kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ xử lý theo quy định. Theo ông Tuấn, từ ngày 17/10, VEC O&M sẽ phát tờ rơi hướng dẫn, cảnh báo cho người tham gia giao thông khi chạy trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai được xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với chiều dài 245km đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Đoạn từ Hà Nội-Yên Bái được thiết kế 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ tối đa 100 km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai với 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ tối đa 80 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án cao tốc này là 1.464 triệu USD.