Tiếp bài “Lương thưởng của SCIC có tương xứng hiệu quả?”:

Cần công khai tiếp lương, thưởng sếp doanh nghiệp nhà nước

Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có 35,2% cổ phần do SCIC nắm giữ, với giá trị 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Thanh
Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có 35,2% cổ phần do SCIC nắm giữ, với giá trị 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Thanh
TP - Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đã đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) báo cáo về tình hình lương, thưởng của lãnh đạo SCIC đang khiến dư luận xôn xao, để Bộ LĐ-TB&XH biết. Dù đã có quy định công khai mức lương, thưởng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng rất ít đơn vị thực hiện công khai…

Không báo cáo bộ

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, ông mới đi công tác nước ngoài về, khi ở nước ngoài, ông cũng nghe thông tin về lương, thưởng của lãnh đạo SCIC. Về nước, ông Huân đã đề nghị phía Bộ Tài chính yêu cầu SCIC báo cáo Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH về lương, thưởng xem việc thực hiện thế nào, đúng quy định hay không.

Cách đây 5-6 năm, câu chuyện về lương thưởng của lãnh đạo, người lao động SCIC từng khiến dư luận “dậy sóng”, theo ông Huân, lúc đó đã xử lý doanh nghiệp (DN), nhưng cũng chỉ một số người lương chưa hợp lý. Nên phải xem lại cơ chế tài chính Chính phủ quy định với  SCIC như thế nào.

Theo ông Huân, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện về lương, thưởng của lãnh đạo DNNN và DNNN nắm cổ phần chi phối, SCIC phải thực hiện theo những quy định đó. Nhưng SCIC còn có đặc thù riêng, vì đây là tổ chức tài chính nhưng áp dụng các tiêu chí hoạt động của DN công nghiệp nên “hơi khó”. 

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, các chỉ tiêu doanh thu, hiệu quả sản xuất kinh doanh của SCIC rất khó xác định. Với DN thông thường, DN làm ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ bán ra sẽ có hóa đơn để tính toán lợi nhuận, nhưng SCIC nhận chuyển giao tiền vốn của nhà nước tại DN trên sổ sách, không biết có đầu tư gì không, hằng năm thu cổ tức hoặc bán DN đi, phần cổ tức thu được và chênh lệch giữa giá trị DN nhận bàn giao và giá trị khi bán được xem là lợi nhuận. “Cái này (lợi nhuận - PV) rất khó nên cần phải xem lại”, ông Huân nói.

Theo Nghị định 51/2013, về chế độ lương, thưởng với lãnh đạo DNNN (do Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn và giám sát thực hiện): Quý một hằng năm, thông tin về lương, thù lao, thưởng của lãnh đạo các DNNN phải được công khai trên trang thông tin điện tử (website) của cơ quan chủ sở hữu và website DN; đồng thời gửi báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp, theo dõi.

Thời gian gửi báo cáo tình hình lao động, tiền lương về Bộ LĐ-TB&XH theo quy định phải trước ngày 31/3 hằng năm với tập đoàn, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt; trước ngày 31/5 hằng năm với các đơn vị chủ sở hữu DNNN. Nhưng hết tháng 6/2016, Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa nhận được báo cáo của DNNN nào. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản đề nghị các bộ ngành, UBND các địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước báo cáo về tình hình lao động, tiền lương năm 2015 của lãnh đạo DNNN gửi về bộ này trước ngày 20/7/2016, để tổng hợp, giám sát và báo cáo Thủ tướng.

Khó như tìm thông tin lương của lãnh đạo DN nhà nước

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng, năm nào cũng xảy ra một, hai DNNN có lãnh đạo lương cao bất thường, khiến dư luận bức xúc. Điều này do lỗi quản lý nhà nước, vì nhà nước có quyền cân đối và quản lý thu nhập lãnh đạo DNNN, không thể để xảy ra chênh lệch thu nhập quá lớn trong DN và giữa các DN với nhau. Đặc biệt, người hưởng lương cao nhưng lợi nhuận làm ra không tương xứng càng phải xem lại.

Tuy vậy, theo bà An, cũng cần công bằng với lãnh đạo DNNN làm ra nhiều lợi nhuận, nên có hệ số lương tăng thêm với những người như vậy, nhưng cần minh bạch. Theo đó, với những trường hợp nghi ngờ, Nhà nước cần kiểm tra xem thu nhập cao trên cơ sở nào, hợp lý không, tại sao xảy ra chuyện đó và công khai với nhân dân.

Theo vị đại biểu Quốc hội này, quy định công khai thông tin lương, thưởng lãnh đạo DNNN đã có, nhưng các đơn vị không thực hiện. “Đây cũng là câu chuyện quản lý, kỷ cương phép nước. Cấp dưới không chấp hành quy định, nhưng cấp trên không xử lý. Nhà nước không thể để tái diễn thêm nữa”, bà An nói.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, có quy định công khai thông tin lương, thưởng hằng năm của lãnh đạo DNNN, nhưng ít cơ quan chủ quản và DN thực hiện. “Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH đều kiểm tra, các đơn vị chủ sở hữu, DN cũng có báo cáo gửi bộ, nhưng việc công khai trên website ít đơn vị thực hiện, chế tài xử lý có nhưng nhẹ”, vị đại điện Bộ LĐ-TB&XH nói.

Theo Thông tư 221/2013 (Bộ Tài chính), người đại diện vốn nhà nước tại DN nhưng không chuyên trách được hưởng thù lao tối đa không quá 20% lương của người chuyên trách. Trường hợp cùng lúc kiêm nhiệm tại nhiều DNNN, mức thù lao tối đa không quá 50% tiền lương tại cơ quan, đơn vị cử đi. Cuối quý 1 hằng năm, đơn vị chủ sở hữu hoặc Bộ Tài chính công khai trên website kết quả đánh giá, mức lương, thưởng, thù lao của kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước tại các DN. Quy định là vậy, nhưng để tìm kiếm thông tin về lương, thưởng lãnh đạo DNNN không khác “mò kim đáy bể”.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ ban hành 2 nghị định quy định về lương của lãnh đạo DNNN sở hữu 100% vốn, và DNNN nắm cổ phần chi phối. Theo đó, từ 1/8 tới, nếu DN lãi lớn, lương lãnh đạo DNNN có thể lên tới 90 triệu đồng/tháng (thay vì mức tối đa 54 triệu đồng/tháng như hiện hành).

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, quy định mới nhằm khuyến khích lãnh đạo các DNNN làm ăn hiệu quả hơn, sát hơn với thị trường. Tuy nhiên, vẫn phải khống chế để không cao hơn thị trường. Cùng với thay đổi mức lương, ông Huân cho biết, tới đây khi xây dựng các văn bản hướng dẫn, sẽ xem xét lại việc trả thù lao cho người kiêm nhiệm đại diện vốn nhà nước, như trường hợp của lãnh đạo SCIC.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.