Với những người lần đầu đến Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM đều không khỏi bất ngờ khi nơi đây còn lưu lại những công trình kiến trúc cổ xưa. Tuy nhiên, ngay cả với những người dân sinh sống tại khu vực quận 5 thì công trình cổ trong bệnh cũng đang là một điều huyền bí ít người có thể biết chi tiết. |
Bên cạnh tòa nhà hiện đại vừa được xây dựng, những kiến trúc cổ xưa của quần thể di tích trong Bệnh viện Nguyễn Trãi vẫn đang được bảo tồn |
Ngôi đền là Từ đường Phúc Kiến do cộng đồng người Hoa thành lập |
Tại đây, bên cạnh tòa nhà 9 tầng hiện đại mới đưa vào hoạt động khám chữa bệnh phục vụ cộng đồng thì một quần thể cổ kính tạo thành điểm nhấn với kiến trúc độc đáo đã hoen màu thời gian chính là Từ đường Phúc Kiến và Quan Âm Các. Những công trình kiến trúc tâm linh này được bảo tồn đến nay đã sang thế kỷ thứ 3.
Hàng thế kỷ trôi qua, ngôi đền đã trở thành một giá trị cả về văn hóa và kiến trúc |
Bên trong ngôi đền có khu vực đón nắng như giếng trời tạo một khoảng sân thông thoáng |
Trao đổi với phóng viên, BS Quách Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, tiền thân của bệnh viện là Phúc Kiến Y viện được thành lập năm 1909 bởi một nhóm người Hoa. Khi ấy y viện chủ yếu trị liệu cho bệnh nhân bằng Đông y. Năm 1959, bệnh viện chuyển sang lĩnh vực Tây y. Từ năm 1978 đến nay được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Trãi. Quần thể Từ đường Phúc Kiến và Quan Âm Các đã tồn tại rất lâu đời, hiện đã được UBND TPHCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Khu vực chánh điện, mỗi ngày vẫn có người chăm sóc, lo nhang đèn không gian luôn ngăn nắp, sạch sẽ |
Cổng vào ngôi đền được bảo vệ bởi 2 vị thần với tướng mạo uy nghiêm, phi phàm |
Bên cạnh những họa tiết chạm trổ tinh xảo trên gỗ, tại ngôi đền còn có những hình ảnh trích từ các điển tích xưa |
Từ đường được xây dựng với kết cấu mái hai tầng với ngói lưu ly màu xanh, các thanh đà ngang dọc. Bên trong từ đường được tô vẽ nhiều hình ảnh trích từ các tác phẩm kinh điển xưa cùng nhiều họa tiết điêu khắc từ gỗ cực kỳ sống động. Bên cạnh cụm di tích Từ đường Phúc Kiến và Quan Âm Các còn có các công trình phụ như nhà bia và ao cá phóng sinh.
Chiếc chuông cổ được trưng bày trong khu vực chánh điện của ngôi đền với nhiều họa tiết sống động |
Tuy nhiên, thời gian xây dựng chính xác của từ đường Phúc Kiến thì rất ít người biết. Bà Dư Thị Thanh Tuyền (72 tuổi, người Việt gốc Hoa) đang trực tiếp trông coi và lo nhang đèn tại ngôi đền cho biết: “Đây được xem như nhà từ đường, hàng năm Hội Phúc Kiến đều đến cúng vào ngày 20/2 và 2/7 (âm lịch) là những ngày họ tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Tôi không biết chính xác thời điểm xây dựng từ đường này, chỉ biết rằng nó đã rất lâu đời”.
Khu vực ao cá phóng sinh đã được cải tạo nhưng vẫn giữ nguyên diện tích và hiện trạng |
Cùng với Từ đường Phúc Kiến là Quan Âm Các – ngôi chùa thờ Phật bà Quan Âm. Mỗi ngày tại đây cũng đều có người trông coi và chăm sóc nhang đèn. Chùa thường xuyên mở cửa để người dân cũng như người bệnh và thân nhân tự do vào thắp nhang, cầu mong cho quốc thái dân an và những điều tốt đẹp.
Quan Âm Các là ngôi chùa thờ Phật bà Quan Âm là một phần trong quần thể kiến trúc |
Mỗi ngày, Quan Âm Các vẫn mở cửa để người dân đến tham quan, thắp nhang cầu mong những điều tốt đẹp |
Từ đường Phúc Kiến là một trong những kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đã được công nhận |
Nhằm góp phần tôn tạo và giữ gìn các di tích kiến trúc nghệ thuật của thành phố, ngày 20/6/2009, UBND TPHCM đã ra Quyết định công nhận Từ đường Phúc Kiến (số 314 Nguyễn Trãi, phường 8, Quận 5) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.