Cần bổ sung quy định với chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

0:00 / 0:00
0:00
Nói về trường hợp hơn 4,2 nghìn chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng: Về bản chất và đạo lý thì không có gì sai, nhưng quy định pháp luật thì phải có hợp đồng giao kết mới tham gia BHXH bắt buộc.

Sáng 6/6, một số đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn thành viên Chính phủ liên quan tới tính pháp lý của hơn 4,2 nghìn chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc trong giai đoạn 2003-2016.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc – kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ BHXH đã cùng tham gia trả lời với Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về nội dung trên.

Theo ông Phớc, về bản chất và đạo lý thì không có gì sai (chủ hộ kinh doanh đóng BHXH bắt buộc – PV), nhưng quy định pháp luật phải có hợp đồng lao động mới tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi nhân viên của các chủ hộ kinh doanh có giao kết hợp đồng lao động nên được đóng BHXH bắt buộc, nhưng chủ hộ kinh doanh cá thể không có hợp đồng lao động nên không được tham gia.

“Về bản chất, chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, nên việc tham gia BHXH thì chấp nhận được nhưng pháp luật không quy định. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH trong quá trình sửa Luật BHXH tới đây cần nghiên cứu cho phép chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc, vì họ vừa là người lao động, vừa là người có thu nhập”, ông Phớc nói.

Cần bổ sung quy định với chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ảnh 1

Thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH được đẩy mạnh, chủ hộ kinh doanh, tiểu thương muốn được đóng BHXH bắt buộc lại gặp khó vì không thuộc diện theo quy định. (Ảnh minh hoạ).

Trước đó, thảo luận tại Quốc hội ngày 31/5, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, chủ hộ kinh doanh cá thể đóng BHXH bắt buộc do một số nguyên nhân, như: Khi triển khai thực hiện Nghị định 01 (năm 2003, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH), do nhận thức chưa đầy đủ và áp lực mở rộng độ bao phủ BHXH, một số địa phương đã thực hiện thu BHXH bắt buộc và giải quyết chính sách với các chủ hộ kinh doanh cá thể. Số đông chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc là người trực tiếp làm việc như người lao động, nên vừa làm chủ vừa là người lao động. Họ mong muốn tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT như người lao động là chính đáng.

Mặt khác, theo Đại biểu Thắng, trong thời gian trước đây chưa có chính sách BHXH tự nguyện, nên việc đóng BHXH của chủ hộ cũng không phải thuộc điều cấm. Việc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH về bản chất là tích cực, góp phần tăng bao phủ BHXH, phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Cũng theo đại biểu trên, đến nay, các quy định liên quan chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, mới nảy sinh câu chuyện trên, nên cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý cho phù hợp để đảm bảo lợi ích của người dân.

Hiện nay, toàn quốc có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khi các quy định pháp lý được sửa đổi thì đây sẽ là nhóm đối tượng rất lớn, tăng thêm diện bao phủ BHXH, phù hợp với định hướng BHXH đa tầng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Chủ hộ kinh doanh cũng có điều kiện kinh tế, có thể tham gia BHXH ở mức đóng cao và bền vững, góp phần ổn định của hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, chủ hộ kinh doanh cá thể cũng là một trong các nhóm đối tượng được đề xuất đưa vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Theo kế hoạch, dự luật trên sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm nay, và xem xét thông qua vào năm 2024, có hiệu lực thi hành từ năm 2025.

MỚI - NÓNG