2.700 người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sai đối tượng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiện cả nước có 2.700 chủ hộ kinh doanh cá thể (tiểu thương) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng theo quy định của luật hiện hành nhóm này không thuộc diện tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, vì vậy không được giải quyết quyền lợi dù đã đóng nhiều năm.

Để giải quyết quyền lợi cho họ, bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đề xuất Quốc hội cho phép họ được giải quyết quyền lợi cho nhóm này theo diện tham gia BHXH bắt buộc khác.

Theo BHXH Việt Nam, việc thu sai BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể (không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, chỉ tham gia BHXH tự nguyện) phát sinh trong giai đoạn từ năm 2003 - 2016, tại nhiều địa phương. Từ năm 2016, BHXH đã dừng thu BHXH bắt buộc với nhóm này, với hơn 2.700 người chưa được giải quyết quyền lợi và “treo” tới nay do không thể giải quyết được quyền lợi theo diện BHXH bắt buộc nhưng cũng không thể giải quyết theo chế độ BHXH tự nguyện.

Việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc nhiều năm, đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH nhưng bị “treo” quyền lợi dẫn tới bức xúc và gửi kiến nghị tới Ban Dân nguyện của Quốc hội.

2.700 người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sai đối tượng ảnh 1

Nhiều chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc nhiều năm nhưng không được giải quyết quyền lợi do không thuộc diện tham gia loại hình này theo quy định hiện hành (Ảnh minh hoạ: Phạm Thanh).

“Để đảm bảo an sinh xã hội và tình hình an ninh, chính trị tại địa phương, BHXH Việt Nam đề xuất Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với chủ trương thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể”, BHXH Việt Nam cho biết.

Về hướng xử lý, BHXH đề xuất Quốc hội cho phép tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để giải quyết chế độ theo quy định của hiện hành về loại hình này với cả chủ hộ kinh doanh cá thể. Quốc hội giao Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội phối hợp với BHXH Việt Nam trình Chính phủ ban hành Nghị quyết tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và Bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) đối với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Đối với phát sinh nói trên, BHXH Việt Nam cho biết pháp luật về BHXH quy định người tham gia BHXH bắt buộc là người có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, gồm cả người lao động làm việc trong doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, tổ hợp tác (hợp tác xã).

Từ năm 2003, hộ kinh doanh cá thể có ký hợp đồng với người lao động phải kê khai và đóng BHXH bắt buộc cho người lao động (trừ chủ hộ). Trong quá trình kê khai trên, nhiều chủ hộ đưa cả mình vào danh sách và đóng BHXH bắt buộc cùng người lao động; chủ hộ cũng tham gia sản xuất như người lao động; chủ hộ sẽ không đóng BHXH cho người lao động nếu mình không được đóng…

Tới thời điểm năm 2016, cả nước có hơn 4.200 người là chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc. Trong đó, một số chủ hộ kinh doanh đủ điều kiện đã được cơ quan BHXH địa phương giải quyết một số chế độ như hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, BHXH một lần.

“Tuy nhiên còn nhiều trường hợp là chủ hộ chưa được tính thời gian đóng, chưa được giải quyết chế độ BHXH do nhận thức chưa thống nhất về hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc”, BHXH Việt Nam lý giải. Do đó, năm 2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát và dừng thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc.

BHXH Việt Nam cũng có một số văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho phép hoặc báo cáo cấp thẩm quyền cho phép ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh và giải quyết quyền lợi cho họ.

BHXH Việt Nam cho rằng, nếu trả lại tiền đã đóng BHXH cho chủ hộ kinh doanh (thoái thu) sẽ rất phức tạp, khó khăn trong thực hiện, sẽ gặp phản đối từ người đã đóng, quyền lợi người đã tham gia cũng bị ảnh hưởng khi đã đóng nhiều năm. Cơ quan này đề xuất giải quyết chế độ BHXH cho những chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia theo quy định của BHXH bắt buộc.

Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến, cơ quan này cũng đề xuất mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc thêm: Chủ hộ kinh doanh; Người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

MỚI - NÓNG