80% chủ chứa là người trẻ
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, tập trung nhiều ở khu vực: Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Hình thức hoạt động mại dâm cũng hết sức đa dạng, biểu hiện qua các hình thức như: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook…
Đặc biệt theo phân tích của Chính phủ, đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do thuộc nhóm mua dâm nhiều nhất (chiếm 75,7%%), doanh nghiệp (20%) và cán bộ, công nhân viên chức thuộc nhóm mua dâm ít nhất (3%).
Cũng theo phân tích của Chính phủ, 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi; trên 40% chủ chứa là phụ nữ. Tại các thành phố, xuất hiện trở lại các tụ điểm mại dâm khu vực công cộng tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội gây bức xúc trong dư luận.
Chưa thống nhất nhận thức chống mại dâm
Theo Chính phủ hiện nay quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống mại dâm của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất dẫn đến việc chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt, liên tục đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm.
Một số quy định trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.
Đơn cử như việc xử lý vi phạm, thiếu chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm như: bảo kê, khiêu dâm, kích dục, người chuyển giới, đồng giới bán dâm; đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa quy định rõ cơ chế thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị để xử lý kỷ luật theo quy định. Các quy định về xử lý vi phạm trong Pháp lệnh chưa thống nhất với Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt theo Chính phủ công tác phòng, chống mại dâm mới tập trung vào các hoạt động phòng ngừa, thông qua việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, nên hiệu quả phòng ngừa không cao, không đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Từ những bất cập trên, Chính phủ đề nghị QH xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật pháp Khóa XIV về Dự án Luật Phòng, chống mại dâm.