Tình cảm gia đình rạn nứt
Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn không đồng tình với đề xuất công khai danh tính người mua dâm. Bà Nhàn cũng là người đề xuất công nhận mại dâm là một nghề. Bà cho rằng, lý do công khai danh tính người mua dâm của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đưa ra không thuyết phục. Công khai danh tính người mua dâm không thể giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Người đàn ông đi mua dâm bị công khai danh tính, vợ và con họ sẽ bị tổn thương (Ảnh minh họa).
Theo bà, đề xuất này không xuất phát từ thực tiễn. Đây chỉ là ý kiến chủ quan của một số người làm luật, không dựa trên nền tảng thực tế. Những người đề xuất quy định này không nghĩ đến hệ lụy đằng sau nó.
Bà Nhàn lý giải, công khai danh tính người mua dâm sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nếu họ bị công khai, chắc chắn gia đình sẽ bị rạn nứt, tình cảm sứt mẻ. Người vợ nhìn nhận người chồng cũng khác. Gia đình, vợ con xấu hổ với những người xung quanh.
"Đối với văn hóa Á đông, công khai người mua dâm là bêu xấu cả gia đình, dòng họ. Điều này vi phạm quyền con người", bà Nhàn nói.
“Người làm luật chỉ cần đánh giá 1, 2 trường hợp sẽ thấy tác động của nó với xã hội, gia đình, cộng đồng. Đề xuất phải thận trọng, đừng để đưa ra thực hiện, sau đó mới sửa sai, rất khó cứu vãn”, bà Nhàn bày tỏ.
Đồng quan điểm với bà Nhàn, ông Phạm Hoài Thanh, Trưởng phòng Truyền thông - Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - cũng không đồng tình với đề xuất này. Theo ông Thanh, công khai danh tính người mua dâm để lại hệ lụy nặng nề hơn mục đích của những người làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội mong muốn.
Công khai người mua dâm không thể ngăn được tệ nạn
Theo bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, người đàn ông tìm đến chị em mại dâm có thể do nhu cầu tình dục không được đáp ứng. Họ tìm đến mại dâm để giải quyết nhu cầu sinh lý. Nếu chỉ vì lý do này, người đó bị nêu tên trong làng xã, cơ quan thì danh dự, uy tín của họ sẽ bị tác động.
“Nếu cho rằng đó là những người ăn chơi, sa đọa, phá hoại hạnh phúc gia đình, rồi công khai danh tính họ là không đúng”, bà Nhàn nói.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì cộng đồng chia sẻ: "Tôi cũng đau xót với chị em mại dâm, không đồng tình với người mua dâm nhưng chỉ vì lý do đó mà công khai danh tính người ta sẽ không ổn. Trước kia, chỉ bắt mỗi gái mại dâm rồi công khai chụp ảnh, tôi thấy cũng bất công. Tất nhiên, công khai cả danh tính người mua dâm sẽ tạo sự bình đẳng, nhưng để công khai phải có nghiên cứu".
Bà Nhàn dẫn chứng cơ quan chức năng bắt được hai đôi đang mua bán dâm, trong đó, một đôi dùng biện pháp tuyên truyền. Đôi mua dâm khác bị công khai danh tính, thử hỏi, 2 cách can thiệp này, cách nào hiệu quả hơn, tác động nhiều hơn?
Bà Nhàn lo ngại nếu đề xuất này có hiệu lực, việc kiểm tra sẽ khó khăn. Cán bộ quản lý không thể kiểm tra được suốt ngày, suốt đêm trừ khi nhà nghỉ có camera quay và dọa sẽ công khai danh tính. Hơn nữa, người mua dâm sẽ tìm cách lách luật, các cô gái mại dâm có nguy cơ bị bóc lột, bạo hành tình dục nhiều hơn.
“Thử hỏi 1 đêm có 1 triệu người đi mua dâm, cơ quan quản lý bắt và công khai danh tính được mấy người?”, bà Nhàn đặt câu hỏi. Bà cho rằng, công khai danh tính không ngăn mại dâm mà cơ quan quản lý nên giáo dục đạo đức, phong cách, cung cấp kiến thức kỹ năng về tình dục cho cộng đồng.
“Dù cơ quan quản lý không muốn nhưng nhu cầu về mại dâm vẫn tồn tại hàng triệu năm nay, nên làm thế nào tốt nhất giảm tác hại cho xã hội. Thay vì công khai danh tính người mua dâm nên cần kết hợp với giáo dục, xây dựng ngọn lửa yêu thương và tình dục tới các đôi vợ chồng để họ không tìm đến gái mại dâm nữa”, bà Nhàn bày tỏ.
Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì cộng đồng (REACOM), luôn kiên quyết giữ quan điểm ủng hộ đề xuất mại dâm thành một nghề.
Ở bất kỳ hội thảo nào bàn về lĩnh vực này, bà Nhàn cũng tranh thủ đứng lên bảo vệ quan điểm của mình. Theo bà Nhàn, dù gọi tên dưới hình thức nào thì hoạt động mại dâm cũng vẫn đã, đang diễn ra.
“Không xét tới yếu tố vi phạm đạo đức, dù muốn hay không thì nhu cầu tình dục vẫn diễn ra không chỉ bây giờ mà đã có từ thời xa xưa. Có thể không bậc làm cha mẹ nào muốn con mình làm nghề vốn dĩ được coi không trong sạch ấy, nhưng chính họ cũng không thể phủ nhận thực tế đó”, bà Nhàn khẳng định.