Căn bệnh đại đô thị

TP - Ngoài ô nhiễm không khí do phát thải quá mức, cư dân ở hai thành phố lớn nhất nước còn đang phải hứng chịu đủ loại ô nhiễm khác. 

Hà Nội, TPHCM tự nó đang bộc lộ những bất cập cố hữu của những đại đô thị mà không ít Megacity trên thế giới đã và đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố khó khăn phức tạp trong quản lý một đại đô thị, dễ nhận thấy chúng ta còn đang buông lỏng hoặc để trống không ít vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt, song trên thực tế gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ô nhiễm không khí do phát thải quá mức, cư dân ở hai thành phố lớn nhất nước còn đang phải hứng chịu đủ loại ô nhiễm khác. Đơn cử như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm quảng cáo, ô nhiễm ánh sáng…

Quảng cáo tràn lan từ trên mạng ra tới ngoài đường tới mức bị… ô nhiễm. Nhan nhản quảng cáo online, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đành, quảng cáo còn đang bủa vây cư dân đô thị khắp nơi.

Trong ngõ thì quảng cáo rao vặt mặc sức tung hoành từ tường nhà cho tới thân cây, cột điện, thậm chí có hẳn đội ngũ được thuê đi nhét tờ rơi khắp mọi nhà, nhét tận tay hoặc quẳng vào giỏ xe người đi đường dừng chờ đèn xanh đèn đỏ tại các giao lộ.

Tệ hơn, khi đèn xanh bật sáng, cả ngã tư ngay lập tức được nhuộm trắng tờ rơi do người đi đường đọc xong tiện tay vứt toẹt ngay dưới chân. Một hình ảnh tùy tiện, thiếu văn minh và hết sức nhếch nhác nơi đô thị.

Ngoài phố lớn thì quảng cáo theo các pano tấm lớn giăng kín mặt tiền nhiều ngôi nhà. Thậm chí gần đây còn xuất hiện dạng quảng cáo bằng màn hình LED hoặc ma trận LED khủng chiếm trọn mặt tiền các tòa cao ốc hay trung tâm mua sắm. Chỉ khổ cho các gia chủ, nhất là các ông già bà cả ở gần những khu vực này.

Có người cả đêm không ngủ được vì ánh sáng xanh đỏ rực rỡ cứ nhấp nháy suốt đêm, sáng rực cả một góc phố. Đêm bị biến thành ngày, cư dân đô thị đang bị ô nhiễm ánh sáng ngày một nặng. Được biết, nhiều thành phố trên thế giới đã có những quy định hết sức nghiêm ngặt về vấn đề này.

Trong khi ở ta, dường như khái niệm ô nhiễm ánh sáng còn khá “xa xỉ”, bằng cớ là các cửa hàng cửa hiệu, mặt tiền cao ốc, trung tâm mua sắm vẫn thỏa sức xanh đỏ tím vàng, nhấp nháy lập lòe suốt đêm thâu. Thậm chí trang trí mặt tiền cửa hàng, tòa nhà chưa đủ, họ còn ngang nhiên chăng đèn chi chít vào các thân cây xung quanh.

Không chỉ có vậy, nếu bạn có dịp đi sâu vào các ngõ ngách phố phường Thủ đô, sẽ dễ dàng bắt gặp một bản hòa tấu chói tai của đủ loại tiếng rao. Rất buồn là ngày nay không ai rao bằng… mồm cả, họ đều rao bằng loa được thu âm sẵn với volume được vặn ở mức cao nhất có thể.

Nhiều cửa hàng còn có chiêu hút khách hàng bằng loa công suất lớn chĩa thẳng ra ngoài đường, báo hại cho những nhà dân nào ở phía đối diện phải nghe nhạc cưỡng bức với âm thanh chát chúa quanh năm! Ô nhiễm tiếng ồn vẫn đang là thứ “đặc sản” tại Hà Nội và TPHCM, điều mà chúng ta khó có thể bắt gặp tại bất cứ một thành phố nào khác ở các nước phát triển.

Còn nhớ, cách đây khoảng trên dưới chục năm, Hà Nội đã từng ra quân tịch thu các loại loa bán hàng rong trên phố. Xong rồi đâu lại vào đấy và từ đó đến nay dường như chính quyền đã “quên” hẳn nhiệm vụ kiểm soát tiếng ồn? Không ít án mạng đã từng xảy ra do hàng xóm hát karaoke hoặc bật nhạc quá to, chính quyền hầu như không can thiệp và hậu quả tất yếu là dân tự xử với nhau.

Tại Đức, thành phố lớn nhất như Berlin cũng chỉ hơn 3 triệu dân, còn lại đa phần là các thành phố dưới 1 triệu dân tới vài trăm ngàn dân. Sự phát triển được phân bố tương đối đồng đều nên tránh được hiện tượng “no dồn đói góp”, quá tải nặng nề về hạ tầng và dân số cỡ chục triệu dân như các đại đô thị Hà Nội và TPHCM ở ta.

“Căn bệnh” đại đô thị đang cần gấp thuốc chữa của trách nhiệm cùng kỹ năng quản trị đô thị chuyên nghiệp, bài bản.       

MỚI - NÓNG