Nỗi buồn “làm chủ chính mình”

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vậy là sau 6 năm hiện diện tại Việt Nam, ngày 16/9 hãng xe công nghệ Gojek chính thức nói lời chia tay người dùng Việt, chấm dứt hành trình với nhiều thăng trầm.

Với hàng trăm nghìn tài xế đang làm việc ở mảng dịch vụ Gocar, GoBike hay GoSend… trên nền tảng của Gojek, sự ra đi của hãng xe này quả là cú sốc lớn, khi “cần câu cơm” không còn. Gojek rời đi cũng đồng nghĩa, tài xế hãng xe công nghệ này phải chuẩn bị một hành trình tìm kế sinh nhai mới hoặc chuyển qua chạy app khác.

Thi thoảng tôi đến cơ quan bằng Gojek. Nhưng khác với những lần trước, mấy hôm nay cánh tài xế GoBike ai cũng có tâm sự buồn. Họ kể cho tôi nghe về việc phải tất bật đi đăng ký khám sức khoẻ, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để làm thủ tục lý lịch tư pháp, rảnh rỗi mới bật app lên để chạy những chuyến xe cuối.

Gắn bó 6 năm kể từ khi Gojek có mặt tại Việt Nam nhưng anh Minh, tài xế hãng xe công nghệ này cho biết, khi rời đi chúng tôi chỉ nhận được một “thông báo bất ngờ” rằng hãng xe không còn hoạt động từ 16/9, ngoài ra không có một sự hỗ trợ nào.

Còn anh Huy, một tài xế khác trong lần chở tôi đi cũng tâm sự, anh phải mất 200 nghìn để làm lý lịch tư pháp và giấy khám sức khoẻ trước khi nộp hồ sơ sang hãng Be. 15-20 ngày sau khi hồ sơ online của anh được duyệt, anh mới lên hãng để đóng tiền ký quỹ, tiền mua đồng phục, nón bảo hiểm…lúc ấy mới được đi làm.

Dù còn một vài hãng xe công nghệ hoạt động tại Việt Nam nhưng theo các tài xế, họ vẫn thấp thỏm nỗi lo với công việc này, khi mà cạnh tranh giữa các hãng xe công nghệ đang ngày càng gay gắt. Họ thấp thỏm lo cũng đúng, bởi thực tế lâu nay tài xế chạy xe công nghệ không được coi trọng như một lao động đúng nghĩa.

Họ được mời gọi “Bạn có muốn là ông chủ của chính mình hay không?” khi đăng ký nhưng thực tế họ không có hợp đồng, không có bảo hiểm, không có những phúc lợi theo Luật Lao động… đến khi thất nghiệp cũng ngậm ngùi chấp nhận.

Trong 2 năm đầu tiên hoạt động, Gojek đã đạt nhiều kết quả ấn tượng khi đạt mốc 100 triệu đơn hàng và 6 tháng sau, con số này nhanh chóng tăng lên gấp đôi. Nhưng sau đó, Gojek hụt hơi rơi xuống vị trí bét bảng trước sự cạnh tranh của Grap, Xanh SM và Be, để rồi rời đi bỏ lại hàng trăm nghìn tài xế bơ vơ.

Giờ đây, khi Gojek rút lui và trước đó là Uber, tôi mới thấm thía phân tích của một chuyên gia người Mỹ, rằng các ứng dụng gọi xe công nghệ là đại diện tiêu biểu của “nền kinh tế tạm bợ”.

Ở đó, người lao động làm việc tạm bợ trong khi công ty chỉ muốn sử dụng lao động tự do thay vì lao động có hợp đồng. Người lao động được dán cái nhãn nghe rất kêu là “đối tác độc lập”, làm việc cho các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn, đi chợ thay…và mãi mãi không phải là nhân viên chính thức.

Vì lẽ đó, các đơn vị sở hữu không phải đóng nhiều loại thuế, chi trả bảo hiểm xã hội và y tế, tiền tăng ca hoặc lương tối thiểu cho hàng trăm nghìn tài xế. Họ được khoác lên mình chiếc áo “Bạn là ông chủ của chính mình” nhưng những tài xế này không có trong một tổ chức công đoàn hay họ có quyền thương lượng hợp đồng.

MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.