Cảm xúc về cái nôi Tiền Phong

Cảm xúc về cái nôi Tiền Phong
TP - Những người đã từng gắn bó và trưởng thành từ báo Tiền Phong nay giữ cương vị lãnh đạo tại các tờ báo khác, đều xúc động và chất chứa biết bao kỷ niệm về ngôi nhà Tiền Phong - cái nôi cho sự thành đạt của mình.

> Tôi trở thành người của Tiền Phong như thế
> Báo Tiền Phong đã có nhiều thành tích đáng tự hào (*)

* Nhà báo NGUYỄN NGỌC NAM, TBT BÁO GIÁO DỤC & THỜI ĐẠi: Thuở ban đầu và niềm biết ơn theo suốt cuộc đời

Dù đến dù đi tôi cũng xin tạ ơn người (Lời nhạc Trịnh Công Sơn)

21 năm ở Tiền Phong, từ một phóng viên được tuyển vào, rồi trở thành Phó Tổng biên tập và hôm nay là người đứng đầu một tờ báo khác, tôi mãi mãi biết ơn các thế hệ Tiền Phong đã dìu dắt mình…

Cảm xúc về cái nôi Tiền Phong ảnh 1

Dễ mấy ai quên

Năm 1988. Trên xe bus, tình cờ đọc được tin tuyển phóng viên. Lạ nhất: Đây là lần đầu tiên có một cuộc thi tuyển phóng viên. Lạ: Vì không phải có văn bằng chuyên ngành Ngữ văn, hay Khoa học xã hội. Chỉ đơn giản: Yêu thích và có khả năng theo đuổi nghề báo, tốt nghiệp đại học, tuổi không vượt quá 28. Tự thấy đó là những tiêu chí để có thể biến đam mê của mình thành hiện thực: Từ cộng tác viên với các tờ báo trở thành nhà báo chuyên nghiệp của tờ báo mình yêu thích, tôi quyết định nộp hồ sơ.

Một cuộc thi đấu sòng phẳng của mấy chục thí sinh qua vòng loại. Đề thi thật độc đáo: Một bài báo với đề tài tự chọn và một chồng báo Nga, Anh, Pháp… để thí sinh chọn lấy mà biên dịch. Hoàn toàn mở ! Tôi đạt điểm cao nhất và 4 bạn nữa được chọn: Bùi Việt Hoa - Sau này là dịch giả nổi tiếng của bộ sử thi danh tiếng Kalevala, cũng là người đạt điểm cao nhất nhưng không về Tiền Phong mà tiếp tục niềm đam mê dịch thuật; Trương Thu Bình - trở thành Phó Tổng Biên tập báo Bóng đá một thời; Hồ Thu - hiện là Phó ban Khoa Giáo báo Tiền Phong; Phạm Anh Tuấn - đã mất…

Những gì tôi có hôm nay là nhờ Tiền Phong

Năm 2009. Tôi rời ngôi nhà chung trở thành Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC). Chức vụ đó theo như tôi biết, được tin tưởng trao cho tôi vì tôi từng là Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong - một tờ báo lớn.

Năm 2010. Tôi quay về nghiệp báo - cũng qua một cuộc thi tuyển để trở thành Phó Tổng Biên tập báo Gia đình & Xã hội cùng lời mời giữ trọng trách Phó Tổng Biên tập báo điện tử VietNamNet là nhờ… quá khứ: Từng là Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong - Tờ báo cả nước biết đến.

Từ năm 2013, tôi là Tổng Biên tập báo Giáo dục & Thời đại sau khi trình Đề án đổi mới báo trước lãnh đạo Bộ và cá nhân Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận. Còn trước đó, để lãnh đạo Bộ biết đến tôi là nhờ sự giới thiệu của các đồng nghiệp với sự trân trọng: Anh ấy từng là Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong - một tờ báo có bề dày hơn 50 năm trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

21 năm cống hiến ở Tiền Phong thân yêu, đã cho tôi có cơ hội được rèn luyện, cho tôi kinh nghiệm và đặc biệt tạo bệ phóng cho tôi.

Tôi biết ơn thế hệ lãnh đạo trẻ từ cuối thập kỷ 1980. Các anh đã làm một việc mà sau này các cơ quan Nhà nước và các tờ báo khác mới làm: Thi tuyển.

Sự phấn đấu của tôi gắn liền với tên tuổi các nhà báo, đội ngũ nhân viên báo Tiền Phong, các anh chị đã dạy dỗ tôi từ cách ghi chép trong sổ tay, cách dựng bài, đặt title, cách biên tập, tổ chức sản xuất các loại hình báo giấy (tuần báo, nhật báo, nguyệt san), báo điện tử… và cao hơn là phẩm cách của một nhà báo chân chính trong một tờ báo có uy tín. Ơn ấy không kể xiết, tên những con người ấy không thể kể hết - Chỉ có thể gọi với một cái tên chung: Những nhà báo Tiền Phong. Tiền Phong đã cho tôi hôm nay. Tiền Phong mãi mãi trong tôi.

* Nhà thơ - nhà báo HỮU VIỆT - P.TBT BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ: Nhớ các anh…

Tôi đến với nghề báo khá muộn khi đã suýt soát bước vào nghề văn. Tôi tin rằng, rất nhiều người chọn nghề báo xuất phát từ tình yêu văn chương khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người bảo: Báo là báo còn văn là văn; riêng tôi vẫn tìm thấy sự tương đồng giữa văn và báo.

Cảm xúc về cái nôi Tiền Phong ảnh 2

Những người viết báo “có văn” thường sẽ trở thành cây bút chứ không dừng lại là phóng viên hay nhà báo thuần túy.

Tuy chưa một ngày trực tiếp làm báo nhưng tôi thuộc số ít người được mời thẳng về làm thư ký tòa soạn ấn phẩm Tiền Phong Chủ Nhật, không phải qua thi tuyển. Với một tờ báo hàng đầu như Tiền Phong thời bấy giờ thì đó là may mắn quá lớn. Sở dĩ có sự ưu ái này dường như bởi TBT báo Tiền Phong và Trưởng ban Tiền Phong Chủ Nhật ngày ấy là hai nhà thơ, và văn học đang là một mảng đặc sắc của tờ báo. Không tính báo Văn Nghệ thì có lẽ Tiền Phong là tờ báo có nhiều hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhất lúc bấy giờ.

Nhớ ngày đầu về tòa soạn, gặp anh Lương Ngọc Bộ ở sảnh tầng hai, anh cười, vỗ vai: “Về đây làm với anh em cho vui!”. Trước đó vẫn nghĩ anh Bộ là người nghiêm khắc, ít bộc lộ tình cảm, nên nghe câu nói của anh thấy thật ấm áp. Anh Dương Xuân Nam thỉnh thoảng rủ đi ăn trưa (anh thường đi ăn trưa một mình), không cho tôi trả tiền cơm, bảo: “Bao giờ lĩnh lương kha khá thì mới đến lượt cậu”. Còn anh Nguyễn Văn Minh thì tay hay xoắn xoắn sợi tóc trên đỉnh đầu, cười cười: “Làm thư ký tòa soạn nhưng đừng ngồi một chỗ, tranh thủ đi, viết nhiều vào!”.

Và người đã dẫn dắt, chỉ bảo tôi ân cần nhất là nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, anh vừa là thủ trưởng trực tiếp, vừa là người thầy truyền nghề cho đàn em. Với tôi, anh là một biên tập viên tinh tế và nghiêm khắc, phản xạ nhanh nhạy nhưng thận trọng trong cái nghề được gọi là “nghề nguy hiểm” của chúng ta. Có thể nói không ngoa rằng, cùng với tập thể Ban biên tập, anh đã góp phần không nhỏ làm nên một thương hiệu Tiền Phong Chủ Nhật “vang bóng một thời” trong làng báo.

Cách đây không lâu, tôi có hỏi anh Dương Xuân Nam: “Điều gì làm nên một tờ báo lớn?”. “Thường xuyên đổi mới, có chính kiến và dám bày tỏ chính kiến của mình”. Nghe thì đơn giản nhưng thật thấm thía và sâu sắc. Bởi vì sự khác biệt ở đây là làm những điều đơn giản ấy “như thế nào”. Cá nhân tôi nghĩ rằng, nhiều năm qua, báo Tiền Phong đã làm được xuất sắc những điều đó.

Những người anh tôi nhắc đến ở trên, nay người đã nghỉ hưu, người đã vĩnh biệt chúng ta đi xa. Tôi hiện cũng đang làm việc ở một tờ báo khác (Phó TBT báo Phụ nữ Thủ đô). Nhưng cái nghề, cái nghĩa, cái tình của các anh, rồi những thành công và va vấp trong nghiệp báo khiến mình trưởng thành hơn thì chẳng bao giờ quên được. Báo Tiền Phong không chỉ là nơi khởi nghiệp mà còn cho tôi một mái nhà, một chỗ tựa tinh thần; hơi ấm của sự trìu mến và tình đồng đội tin cậy, thân thương.

* Nhà báo VÕ HỒNG THU - P.TBT TẠP CHÍ DƯỢC & MỸ PHẨM: 16 năm thanh xuân

Năm 1994, 22 tuổi, tôi trở thành phóng viên của báo Tiền Phong sau một kỳ thi tuyển 2 vòng nghiêm túc.

Cảm xúc về cái nôi Tiền Phong ảnh 3

Được Ban biên tập lúc bấy giờ giao cho phụ trách ấn phẩm Người đẹp Việt Nam (NĐVN) ngay trong những ngày đầu tiên về báo, với tôi là một thử thách lớn nhưng đồng thời cũng là một cơ hội mà không phải người làm báo nào cũng may mắn có được.

Để đứng vững ở vị trí này, tôi đã luôn rèn luyện, học hỏi để đạt được độ “rắn” cả về nghề nghiệp cũng như các nguyên tắc ứng xử trong một môi trường nhiều cạnh tranh.

Trong nhiều năm, tôi và những người làm NĐVN đều cố gắng để xác lập TÍNH NỮ trong từng trang báo. Chúng tôi từng nói vui với nhau: Bạn đọc đang bị “tẩm độc” bởi những câu chuyện do NĐVN đưa ra khiến người ta lưu luyến và hoàn toàn không trộn lẫn với bất kỳ ấn phẩm nào cùng loại trên thị trường báo giải trí- vốn phát triển rất nhanh sau khi NĐVN ra đời không lâu.

Nhiều chuyên mục đặc sắc hẳn còn lưu lại trong ký ức của các thế hệ bạn đọc trong gần 20 năm qua: Giai nhân một thời, Thì thầm bên gối, Bức thư tình hay nhất, Vẻ đẹp đàn bà trong hội họa đương đại, “Khám” nhà người nổi tiếng, Vào bếp cùng sao…

Nhiều bài viết tâm lý trên NĐVN đã mở đầu cho những cuộc tranh luận sôi nổi. Nhiều gương mặt của thế giới giải trí đã chói sáng hơn sau khi xuất hiện trên NĐVN. Nhiều độc giả nhờ có NĐVN mà đã được gặp mặt thần tượng của mình thông qua Chương trình Café cùng sao do tạp chí đứng ra tổ chức liên tục trong những năm 1998- 2004…

Đặc biệt, sau những cuộc thi Hoa hậu được tổ chức 2 năm một lần với quy mô toàn quốc, tờ NĐVN luôn là sự đón đợi của bạn đọc cả nước với con số in tăng vọt, ít nhất gấp đôi số bình thường. Cùng với Tri thức trẻ, Tiền Phong cuối tháng… NĐVN là niềm kiêu hãnh của báo Tiền Phong trong lòng bạn bè đồng nghiệp.

16 năm gắn bó với báo Tiền Phong, với tờ Người đẹp Việt Nam cũng chính là những năm tháng thanh xuân của tôi. Và thực sự đó là những năm tháng đẹp, khiến tôi ngày càng vững vàng, tự tin. Trên bước đường rèn luyện, tôi đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, cả về chuyên môn cũng như kỹ năng đối nội - đối ngoại từ Tiền Phong.

Hiện nay tôi đã trở thành Phó TBT Tạp chí Dược & Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế. Và cũng như các anh chị em khác, tôi luôn nhớ rằng, những gì mình đang có hôm nay, là nhờ có Tiền Phong.

* Nhà báo NGUYỄN BÁ KIÊN - Q.TỔNG BIÊN TẬP BÁO GIAO THÔNG: Sức nặng một bài báo

Đang là phóng viên một tờ báo trẻ, tháng 12/2004, tôi được mời về làm Thư ký tòa soạn báo Tiền Phong, tờ báo tầm thế hàng đầu Việt Nam. Ngồi ở vị trí “gác gôn” 4 năm, và 5 năm ở vị trí lãnh đạo ban Thanh niên, rồi ban Kinh tế, là những ngày tháng tôi không thể quên trong nghiệp làm báo của mình, nhất là kỷ niệm về những bài báo như “quả bom” lớn...

Cảm xúc về cái nôi Tiền Phong ảnh 4

Năm 2009, cả nước sôi sục với cuộc chiến chống than lậu. Trên diễn đàn báo chí, dư luận dành những vị trí lớn trên trang nhất đấu tranh với cuộc chiến này. Thời điểm đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp bàn việc xử lý kỷ luật Chủ tịch Tập đoàn Than và khoáng sản VN Đoàn Văn Kiển, nhưng mọi thông tin được giữ kín. Từ một nguồn tin đáng tin cậy, tôi có bản tin đầu tiên đăng trên báo Tiền Phong về việc ông Kiển bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng.

Sau đó, là loạt bài viết về những sai phạm, dẫn tới việc ông chủ được coi là rất cá tính này, bị kỷ luật. Thông thường, một người bị cảnh cáo Đảng, tất yếu dẫn tới việc mất chức trong chính quyền hoặc bản thân phải tự xử bằng cách viết đơn thôi chức. Nhưng lạ, ông Kiển vẫn tại vị chức Chủ tịch tập đoàn. Tôi và một đồng nghiệp sang đối thoại trực diện với ông Kiển, lúc ra về ông còn tiễn ra thang máy, vỗ vai: “Chú cứ viết khách quan, dù gì cũng phải đến ngày đến tháng (ý nói hết tuổi) anh mới nghỉ được”. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm.

Tôi sang làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thấy lãnh đạo Ủy ban cũng bức xúc vì kết quả kỷ luật Đảng ông Kiển đã công bố vài tháng nhưng bên chính quyền vẫn chưa đưa ra hình thức kỷ luật tương ứng. Hôm sau, bài phỏng vấn “Vì sao ông Đoàn Văn Kiển chưa bị thôi chức?” được đăng ngày 29/9/2009. Bài báo đăng buổi sáng, thì buổi chiều hôm sau tôi nhận được tin ông Đoàn Văn Kiển nộp đơn xin Thủ tướng nghỉ hưu sớm.

Lúc này tôi mới cảm nhận rõ được sức nặng của một bài báo đăng trên một tờ báo có tầm là thế nào, đôi khi nó còn có sức công phá như những quả bom.

Chín năm gắn bó với Tiền Phong, tôi hoặc trực tiếp tham gia, hoặc chứng kiến được nhiều quả bom như thế. Đó là những ngày tháng không thể nào quên!

* Nhà báo NGÔ VĂN HẢI - TBT BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS: Nguồn sức mạnh của tôi

Xét về chuyên môn, Tiền Phong là nơi sinh ra tôi - một nhà báo. Cho nên đó là nơi tôi vẫn trở về để được sống trong tình cảm của những người thân yêu như ruột thịt.

Cảm xúc về cái nôi Tiền Phong ảnh 5

Tôi được trở thành phóng viên báo Tiền Phong trong hoàn cảnh rất tình cờ. Đầu năm 2001, tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Nam (Phó ban Thư ký Tòa soạn, sau này là Phó Tổng biên tập báo và hiện là Tổng Biên tập báo Giáo dục & Thời đại) ở một quán café trên đường Nguyễn Du, gần tòa soạn.

Lúc đó, tôi đang làm cộng tác cho chương trình Các vấn đề quốc tế của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát buổi sáng hằng ngày. Anh Nam động viên tôi tích cực cộng tác với báo vì đến giữa năm sẽ có kỳ thi.

Với mơ ước cháy bỏng được vào làm việc ở tờ báo lớn mà tôi yêu thích từ bé, tôi ngày đêm ra sức viết bài cho cả Tiền Phong và VOV để có thật nhiều tác phẩm báo chí ngõ hầu thuyết phục hội đồng tuyển dụng của báo.

Vào tháng 6 năm ấy, kỳ thi tuyển diễn ra với số lượng hồ sơ đầu vào lên đến hàng trăm. Khi đó, báo chí còn ít ỏi, kỳ thi tuyển dụng vào báo Tiền Phong là cuộc thử sức hiếm hoi, cam go giữa các ứng cử viên nặng ký.

Hết một ngày căng sức “đấu” với những cây bút sừng sỏ từ các báo, đài và chính các phóng viên thử việc ở Tiền Phong nhưng đã có tiếng tăm trong giới, tôi ra về không chút hy vọng rằng mình sẽ có cơ hội trúng tuyển.

Gần một tuần sau, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của tòa soạn thông báo trúng tuyển. Mừng rơi nước mắt. Về sau này tôi mới biết, phần thi viết bài của tôi không tốt, nhưng chính những tác phẩm báo chí, chủ yếu là các bài bình luận quốc tế của tôi được phát trên chương trình Các vấn đề quốc tế sao chép ra một đống băng cassette đã gây được sự chú ý đặc biệt của một người. Đó là anh Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo bây giờ, lúc đó là Trưởng ban Thư ký Tòa soạn. Anh đã nghiên cứu kỹ những bài báo của tôi và cương quyết bảo vệ đề xuất trước Ban biên tập tuyển tôi vào làm phóng viên.

Tôi nhớ anh Ngọc Nam có nói: “Các chú có biết thi vào làm việc ở đây có điểm gì nổi bật không? Đó là các chú không mất bất kỳ khoản “chi phí” nào như ở nhiều cơ quan khác. Muốn vào làm việc ở Tiền Phong, chỉ cần năng lực tốt”. Việc làm của anh Lê Xuân Sơn và Ban Biên tập lúc đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn điều ấy.

Làm việc ở ban Quốc tế một thời gian, tôi chuyển sang làm phóng viên Công nghệ - Môi trường rồi làm Thư ký Tòa soạn, sau đó lại chuyển về làm phóng viên Thời sự - Chính trị. Ở vị trí nào tôi cũng được tôi rèn trong sự khắt khe về chuyên môn, nghiệp vụ. Tất cả các nhà báo Tiền Phong, từ anh Lê Xuân Sơn, anh Ngọc Nam, anh Quốc Dũng - người ẵm nhiều giải thưởng quốc tế nhất nhì ở Việt Nam về báo chí - đến các phóng viên cùng lứa đều là những người thầy của tôi về chuyên môn, giúp tôi tích lũy được kiến thức để vững vàng trong tác nghiệp, luôn xứng đáng là phóng viên báo Tiền Phong.

Những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Thư ký Tòa soạn và phóng viên để tìm ra những đề tài, hướng triển khai tốt nhất diễn ra hàng ngày. Nhưng chính quãng thời gian đó đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều và đem lại những kiến thức nền cơ bản để tôi có thể đảm nhận công việc quản lý tờ báo hiện nay.

Đầu năm 2011, tôi chuyển sang công tác ở một môi trường mới với vị trí phụ trách tờ báo điện tử VTC News. Tờ báo non trẻ với đội ngũ cán bộ tuổi đời rất trẻ, còn ít kinh nghiệm làm báo. Rồi kinh phí hoạt động, phát triển cho tờ báo đều phải tự lo. Khó khăn vốn đã bộn bề lại càng chồng chất vì đó là thời điểm kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn khủng hoảng nhất.

Những lúc khó khăn nhất, tôi đều nghĩ về ngôi nhà Tiền Phong thân yêu của mình, nơi những người thầy, đồng nghiệp đang kỳ vọng vào tôi rất nhiều. Nguồn sức mạnh ấy cộng với sự động viên, khích lệ, tạo điều kiện của lãnh đạo VTC đã giúp tôi vượt qua những khó khăn lớn nhất để tiếp tục cùng tập thể VTC News non trẻ đưa tờ báo phát triển, có ích cho bạn đọc.

Ngọc Đinh ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG