Cảm thức Độc Lập

TP - Dòng Sê Pôn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lững lờ trôi ngược về phía mặt trời lặn, rồi nhập vào sông Mê Kông vĩ đại. Nơi đó, 52 năm trước từng có những người lính đứng lặng im, trên ba-lô là những cành lá xanh thẫm, tạo thành hàng cây thẳng tắp khi từng chùm pháo sáng từ máy bay địch thả xuống. Họ hiên ngang giữa ranh giới sống - chết...

Tôi ngồi đây, trong tiết trời Thu Hà Nội nhưng tâm tư hướng về mảnh đất năm xưa mà cha tôi từng sống và chiến đấu khi lời kể của cha lúc trầm, lúc bổng bởi kí ức như dòng sông cuộn chảy ngược thời gian...

“Trước mặt anh là dòng sông trong xanh

Sau lưng anh là đất lành

của mẹ

Em ở đâu trong bộn bề nỗi nhớ

Trong cuộc đời mắc nợ của riêng anh...?”

Những câu thơ cha viết trong đêm nghỉ dọc đường hành quân hiếm hoi vắng tiếng bom của địch dội vào tâm trí tôi. Mân mê bức ảnh đen trắng trên tay, trước mắt tôi là hình ảnh chàng trai - cô gái mới ngoài đôi mươi. Dẫu hơn nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng nụ cười ấm áp của người con trai không át được ánh mắt đượm buồn của cô gái. Họ là Cha tôi - người lính chiến trường B và Mẹ tôi - nữ phóng viên chiến trường B khốc liệt. Họ đã gặp nhau, yêu nhau từ khi cùng học chung khoa Văn dưới mái trường Đại học Tổng hợp. Hôm đó, ngày 10/1/1972 cô sinh viên năm 2 tiễn người yêu lên đường nhập ngũ vào chiến trường Quảng Nam bom rơi, đạn nổ. Khi đó chàng trai mới nhận bằng tốt nghiệp Đại học đầy nhiệt huyết lên đường, khát khao góp sức vào cuộc trường chinh kháng chiến giành độc lập.

Hai năm sau, cô gái trở thành phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, xung phong vào chiến trường dùng bài viết của mình lan tỏa trên sóng phát thanh động viên tinh thần những người lính. Trong tâm trí cô còn nhen lên hi vọng có thể gặp được người yêu trên đường hành quân.

Và họ đã gặp nhau nơi cánh rừng miền Trung trong chuyến công tác của cô gái cùng ba nữ đồng nghiệp. Bao vất vả, bao máu đỏ đã đổ nơi rừng sâu, núi thẳm vẫn không làm nản lòng chàng trai. Và cũng bao xác giặc đã đổ xuống trước họng súng của người lính ấy. Tất cả có được nhờ Tình yêu Tổ quốc và cả Tình yêu, sự thủy chung đợi chờ của cô gái... Hạnh phúc nhân lên theo năm tháng cho đến ngày Hòa bình lập lại. Họ đã cùng nhau đi qua thời thanh xuân tươi đẹp, đã cống hiến sức trẻ góp phần mang lại bình yên cho Tổ quốc.

ĐỘC LẬP mãi là hai tiếng thiêng liêng với những người lính từng vào sinh ra tử. Và tôi biết ơn Tình yêu đó đã đi qua khói lửa của bom đạn, của thiếu thốn cơm áo gạo tiền giữa thời bình để đứa con gái là mình có được ngày hôm nay.

Tôi biết, cha mẹ tôi đã sống trong những năm tháng đợi chờ đằng đẵng, dù họ sớm gặp nhau ở chiến trường, bởi một ngày giữa tiếng bom rơi, là dài như thế kỉ. Một phút im tiếng súng, như hòa bình chưa từng mất đi, có khi đó là cả một đời người. Quãng dừng đó, người lính ở chiến trường đo bằng nỗi lo cái chết cướp đi, nên chẳng lạ, những thước phim bức ảnh ngày hòa bình, nước mắt ứ tràn. Những bức thư gửi vội, giống nhau ở ngày hẹn gặp, đi giữa mùa thu Hà Nội nghe hương cốm mới, mơ về ngày áo cưới rộn ràng… Suy nghĩ điều đó, nhìn lại lịch sử, nhìn đâu xa, cha mẹ, người thân, những người xung quanh mất con, không chỉ ở chiến trường mà ngay cả đây, phố Khâm Thiên từng hứng bom hủy diệt, thì với những người sinh ra sau chiến tranh như tôi và thế hệ trẻ sau này, độc lập - hòa bình - tự do, chỉ có thể cảm nhận được, nếu một lần chạm vào nỗi đau.

Cảm thức Độc Lập ảnh 1

Tượng đài mẹ Thứ, biểu trưng của Mẹ Việt Nam Anh hùng

CẢM THỨC ĐỘC LẬP ấy không dễ dàng có được, càng không thể không giữ mà tồn tại. Như chính nền độc lập mà chúng ta đang có - được đánh đổi bằng lịch sử ngàn năm với những cuộc chiến trường kì, những mất mát máu xương và mạng sống.

Hàng cây xanh kia vẫn cười trong nắng. Nó đã đi qua bao mùa mưa gió, là chỗ trú ẩn cho bao tâm hồn. Trên mỗi tán cây, hai chữ bình yên chưa từng bay đi. Bình yên cho cây, chính là cho tôi, cho bạn. Độc lập đó. Ngọn lửa thắp lên từ tiếng thì thào của bao con tim hẹn nhau dưới tán cây như chiếc ô chìa ra che chở, nhìn họ để nhớ những cánh rừng mà cha mẹ tôi đã đi qua. Và trong thoáng chốc, chuyến xe hồi ức đưa tôi về dải đất miền Trung nắng gió, mà cứ dịp này lại thắt tim trước hàng vạn nấm mộ liệt sĩ có tên và chưa xác định được danh tính. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ nhưng sự khốc liệt của nó còn hằn trên khắp những nghĩa trang và vẫn là nỗi ám ảnh của bao người ở lại. Ai trong chúng ta không quặn thắt trước hình ảnh những phận người chưa từng biết mùi bom đạn nhưng lại phải mang di chứng và hậu quả của cuộc chiến tàn khốc trong mình khi chất độc da cam truyền từ cha mẹ - những người lính đi qua chiến tranh...

Bạn ơi, cái giá của hòa bình, độc lập đó. Hãy cúi xuống đất Mẹ để biết tri ân những người đã ngã xuống và hơn cả biết sống, làm việc vì Tổ quốc, vì nhân dân.

“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về... mình Mẹ lặng im”. Những ngày này, lời bài hát “Người mẹ của tôi” vang lên chan chứa cõi lòng. Tôi nhớ về Mẹ Thứ - biểu tượng vĩnh hằng của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ chưa một giây phút nào sống cho riêng mình, suốt đời tận hiến cho Đất nước, cho quê hương. Tôi từng được đọc những dòng tâm sự của người con gái cuối cùng của mẹ Thứ rằng khi liên tiếp giấy báo tử từ chiến trường báo về, Mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà như người mê sảng. Nhưng thời gian dần nguôi ngoai, Mẹ tiếp tục cho các anh khác lên đường. Lần đó một nhà báo, cựu chiến binh người Hàn Quốc hỏi mẹ rằng con cái là phúc lộc, là tài sản, những người con đã tử nạn sao Mẹ vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận. Khi ấy Mẹ Thứ điềm tĩnh trả lời: “Ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để giành lấy độc lập, tự do”. Người cựu binh Hàn Quốc rưng rưng nước mắt rồi thấp người xuống, cầm tay xin lỗi Mẹ.

Cảm thức Độc Lập ảnh 2

Cha mẹ tác giả - những người mang thời thanh xuân vào chiến trường. Ảnh chụp ngày 10/1/1972

Có vô vàn định nghĩa về Tổ quốc. Tôi nhớ lời người già trong một tiểu thuyết phương Tây, rằng “Tổ quốc ở trong tim mỗi người”. Những chàng trai cô gái tuổi 20 ra trận, thanh xuân trên vai đi vào chiến trường để cây xanh mọc lên. Cây Độc Lập đó. Họ đi vì trên đôi tay họ chẳng có gì ngoài mơ ước, ngày trở về sẽ trồng trước hiên nhà một cây xanh, cho những đôi chim không còn bay mỏi tìm chỗ tự tình. Họ nằm lại ở Trường Sơn, ở nhánh sông nào đó dày đặc khói bom, mà không kịp nghĩ gì cả. Những người phụ nữ như người mẹ mất con kia, Tổ quốc là gì, độc lập là gì, câu trả lời của họ là lặng im. Họ biết, có nói gì đi nữa, thì tự đáy lòng, đều quy về bình yên, độc lập. Muốn vậy, con phải ra trận. Độc Lập, tự đứng vững trên đôi chân mình không cách nào khác, phải trả bằng máu, bằng mất mát, đớn đau. Nên chẳng lạ, lá cờ Tổ quốc màu đỏ - máu của bao thế hệ. Chừng nào phút chào cờ thiêng liêng, màu đỏ đó còn khiến ta xúc động, thì Độc Lập còn mãi răn dạy ta về tình yêu Tổ quốc. Một phút hòa bình, là dằng dặc máu xương của bao thế hệ. Tôi nói với mình điều đó, rồi nhìn cha mẹ tôi, những người gửi tuổi 20 ở chiến trường nhưng may mắn trở về. Đồng đội, bao người nằm đó, vĩnh viễn không lên chuyến tàu niềm vui. Nếu cha mẹ không về, nếu Độc Lập không tới, làm sao có được tôi như bây giờ. Nghĩ đến đây, tôi muốn quỳ xuống, tạ ơn cha mẹ và con tạ ơn Người - Tổ quốc.

MỚI - NÓNG