Cây tre Việt Nam trong tiệc trà đặc biệt

TP - Trong tiệc trà giữa cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều tối 12/12/2023 có những cây tre bonsai độc đáo, tượng trưng cho đường lối ngoại giao cây tre Việt Nam. Anh Nguyễn Sỹ Luân (sinh năm 1995) người xã Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã kỳ công tạo ra các tác phẩm đó…

Thăm vườn tre cảnh của nghệ nhân 9x

Chúng tôi về HTX Vườn Chum ở thôn Bảo An, xã Hoàng An (Hiệp Hòa, Bắc Giang) tìm gặp anh Sỹ Luân. HTX Vườn Chum rộng khoảng 2 ha của Sỹ Luân nằm trên đỉnh một quả đồi, trồng nhiều loại cây cảnh khác nhau như: hồng, trúc, mai, lan… nhưng mê đắm nhất với Luân vẫn là những cây tre cảnh. Luân dáng người chất phác, cánh tay vạm vỡ kín những vết xước gai đâm. Cái tên HTX Vườn Chum do anh đặt cũng mang nét đặc trưng của quê hương - nơi anh sinh ra, có làng gốm Phù Lãng. Và điều đặc biệt ở HTX Vườn Chum là những tác phẩm tre cảnh mà Luân tạo tác đều được trồng trong những sản phẩm tinh tuý nhất của làng gốm Phù Lãng.

Từ cổng vào phía trong khu vườn HTX, hai bên đường là những chậu tre cảnh được xếp đặt ngăn nắp. Cứ qua mỗi tác phẩm, Luân đều say mê giới thiệu về tên tác phẩm xuất phát từ ý tưởng gì, nguồn gốc từ vùng nào, cách uốn nắn, chăm sóc ra sao. Trong sân HTX, tác phẩm nghệ thuật “Lưỡng long chầu nhật” được bày trang trọng ở chính giữa. Đây là tác phẩm ấn tượng nhất trong 21 tác phẩm tre cảnh - tre nghệ thuật của HTX Vườn Chum của Sỹ Luân được chọn trưng bày trong khán phòng của tiệc trà giữa cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cạnh đó còn có tác phẩm “Huynh đệ” trồng trong chậu vuông men mật, đắp long, ly. Đây là tác phẩm sau buổi tiệc trà được giữ lại trong phòng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trưng bày thêm một thời gian, đến nay anh mới đưa về vườn để chăm sóc.

Luân kể với chúng tôi về buổi gặp gỡ - bước ngoặt cuộc đời đó với đầy vinh dự và tự hào. Nhờ cơ duyên quen biết với nghệ nhân trà đạo Nguyễn Cao Sơn (người đoạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris, Pháp năm 2022), những tác phẩm tre cảnh của Luân xuất hiện trong sự kiện trà đạo tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây trong hai ngày 18-19/11/2023 chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam tại phố cổ Hà Nội.

“Chú Sơn là người yêu cây cảnh và khi tôi đề nghị trang trí tre cảnh trong ngôi nhà cổ thì được đồng ý. Rồi trước sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam khoảng hơn 10 ngày tôi nhận được điện thoại của chú Cao Sơn nói về việc chuẩn bị tác phẩm để tham gia một sự kiện lớn. Sau đó, từ Mộc Châu, chú Sơn về thẳng HTX Vườn Chum để cùng lựa chọn các tác phẩm. Lúc chú đến HTX thì trời nhá nhem tối, điện trong khu vườn thì chập chờn và chúng tôi phải soi đèn để lựa chọn từng tác phẩm”, Luân kể.

“Chúng tôi có 10 ngày để chuẩn bị. Trong đó, tại khu vườn của HTX, tôi dành 3 ngày để lau dọn sạch, 2 ngày sau trang trí và gửi vào để sắp xếp theo vị trí. Tôi vừa làm vừa hồi hộp vì không biết tác phẩm của mình trưng bày ở đâu mà được lựa chọn kỹ càng như vậy. Đến khi tác phẩm hoàn tất, được đưa đến nơi, tôi mới biết. Nhưng đấy cũng là lúc từng cây tre phải được kiểm tra kỹ lưỡng”, Sỹ Luân tự hào.

Cây tre Việt Nam trong tiệc trà đặc biệt ảnh 1

Sỹ Luân và tác phẩm “Huynh đệ”.

Nói về tác phẩm của mình, Luân bảo, bản thân chưa bao giờ nghĩ đến tác phẩm mà anh tạo tác mang ý nghĩa sâu sắc của đường lối “ngoại giao cây tre Việt Nam”. “Tôi vốn sinh ra và lớn lên từ làng quê Bắc bộ với luỹ tre đầu làng với những nắm đất của làng nghề truyền thống. Qua những bài học, những câu chuyện cổ tích được ông bà kể, tôi hiểu rằng, cây tre là biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất và uyển chuyển. Tre, trúc thường được ví như bậc quân tử mạnh mẽ và kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Và từ xa xưa, ông cha ta từng dùng cây tre như thành luỹ chống giặc, như vũ khí cung nỏ để chiến đấu giúp đẩy lui bao thế lực xâm lược. Nhưng đến khi xong sự kiện đó, tôi càng thấy ý nghĩa sâu xa của cây tre”, Luân bộc bạch.

Kỹ nghệ trồng tre cảnh

Nói về nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật “Lưỡng long chầu nhật”, Luân cho biết, gần 2 năm trước, trong một lần đi tìm mua nguyên liệu ở Chương Mỹ và Hà Đông (Hà Nội) vào trong vườn tre thấy có những thân tre ngà to nên mua hết về tạo tác.

“Sau hơn 6 tháng kiên trì sép thế, lấy cảm hứng từ hình ảnh mang nét đẹp văn hoá tâm linh, hình ảnh lưỡng long chầu nhật, nguyệt trên những mái đình cổ, với mong muốn khắc hoạ nét đẹp văn hoá có ý nghĩa của dân tộc ta, tôi bắt đầu thực hiện tác phẩm”, Luân cho biết.

“Thời điểm đó, cây tre được lựa chọn đưa vào tiệc trà của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là phù hợp. HTX Vườn Chum là khu vườn có đầy đủ những yếu tố để lựa chọn các tác phẩm phù hợp với tiệc trà đó. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, việc sắp xếp đều theo ý tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chúng tôi là người thực hiện những nhiệm vụ đó. Tất cả những cây tre được bày trong buổi tiếp khách đó đều mang những thông điệp rõ ràng”

Nghệ nhân trà đạo Nguyễn Cao Sơn (người đoạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris, Pháp- năm 2022)

Theo Luân, tre là giống thân thảo không thể cấy ghép, không bẻ thành dáng khác mà chỉ uốn theo tự nhiên. Vì thế, mỗi tác phẩm tạo ra từ tre đều là độc bản. Và để có một tác phẩm tốt, quan trọng nhất là tìm được nguyên liệu ưng ý và đem về trồng sống được. Khi cây đã sống thì lên ý tưởng, uốn nắn dần theo nhịp để thành hình hài.

Cây tre Việt Nam trong tiệc trà đặc biệt ảnh 2

Tiệc trà giữa cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều tối 12/12/2023 với tác phẩm “Lưỡng long chầu nhật” của Sỹ Luân ở phía sau Ảnh: TTXVN

“Mỗi tác phẩm của tôi khi gửi đến khách đam mê đều có hướng dẫn cách chăm sóc. Bản hướng dẫn là một quy trình, được tôi viết từ khi mới mua phôi về và bắt đầu tạo tác. Có 3 thứ quan trọng cần chú ý để chơi tre cảnh đó là chất đất là để cây bám, chất nước để duy trì, còn phân bón là nuôi dưỡng cây. Trong đó, phân bón có bán sẵn trên thị trường đã được trộn sẵn để bón theo chu kỳ từ 3-6 tháng. Đến kỳ thì cắt lá già và bón phân”, Luân nói.

Anh Luân cho biết, để tạo ra một tác phẩm phải mất từ 2-3 năm. Muốn cành to thì phải chờ nuôi lớn lên. “Muốn uốn nắn thì từ lúc còn măng phải đi dây sẵn. Ví dụ, để tạo ra một tác phẩm về gia đình, người bố là hình cây tre mọc thẳng có sẵn, muốn xây dựng một người mẹ phải chờ mầm ra uốn nắn và đàn con cũng phải chờ quy trình như vậy rồi mới cắt, tỉa”, Luân nói.

Luân chia sẻ, anh mới bắt đầu gắn bó với tre cảnh cách đây 6 năm. Hiện có những tác phẩm được nhiều người sẵn sàng chi tiền tỷ để mua lại nhưng anh không bán. Luân muốn giữ lại để làm kỷ niệm và để truyền tải tình yêu và niềm đam mê cho mọi người xung quanh.

Tin liên quan