Tổ ấm
Xe chúng tôi vừa chuyển bánh đến cổng sắt khu trung tâm, những tiếng hô lớn “xung phong, xung phong” từ xa vọng đến. “Các bác ở đây không còn nhớ gì về quê nhà, người thân, không nhớ tên, nhớ tuổi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức đó vẫn còn hiện hữu, đọng lại trên những người lính từ chiến trận trở về”, ông Nguyễn Thiếu Lâm - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An mở đầu câu chuyện.
Trung tâm, có 75 thương, bệnh binh nặng đang được chăm sóc và điều trị. Họ là những người lính chịu ảnh hưởng nặng nề do sự tàn khốc bởi sức ép của bom mìn, đạn pháo khi tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nếu như không đến, chắc ít người biết, phía sau cánh cổng sắt ấy là một thế giới hoàn toàn khác. Đó là thế giới của những người thương binh tâm thần, ngôi nhà thứ 2 của những người lính. Khoác trên mình màu áo xanh quen thuộc, thương binh Phạm Quang Tửu (SN 1952, trú huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được y tá dẫn đến ngồi hàng ghế trên cùng. Khoé miệng luôn cười, nhưng ánh mắt người lính lại trở nên vô định. Thi thoảng, ông quay đầu xuống, đưa tay ra hiệu với đồng đội để giữ yên lặng khi có người đến thăm hỏi. Ông Tửu hai lần nhập ngũ, từng là một chiến sĩ lái xe chiến trường. Năm 1984, người lính xuất ngũ trở về quê hương, mang theo vết thương của chiến tranh với chứng tâm thần phân liệt. Cũng từ đó, ông được quản lý, nuôi dưỡng ở khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An.
Gộp những mảnh ghép ký ức, ánh mắt người chiến sĩ bỗng nhiên sáng ngời, phong thái linh hoạt tựa như đang ngồi trên buồng lái. “Ngày đó, bom, pháo nổ sáng trời. Còn tôi vẫn lái xe chở đạn dược băng qua những ngọn đồi ở Quảng Bình, Quảng Trị rồi Đà Nẵng đến Sài Gòn….”, ông Tửu đưa bàn tay ra đếm những nơi mình đã tham gia, nói trong ngắt quãng. Cầm trên tay túi quà vừa nhận, người lính Nguyễn Xuân Việt (SN 1958) liền lục lọi bên trong như tìm kiếm thứ mình yêu thích. Chỉ đến khi, người đồng đội ngồi cạnh nói to: “Cái này không ăn được, thuốc đấy…”, ông Việt mới dừng lại với ánh mắt rầu rĩ. Gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường trong lúc tỉnh táo nhất, như là nơi trút được hết nỗi tâm can, ông nói: “Năm 1979, tôi đang ở dưới hầm trú ẩn thì trúng đạn pháo. Từ lâu, trung tâm là ngôi nhà thứ 2 của tôi”. Trở về quê hương với di chứng của chiến tranh, mỗi khi trở trời, tâm trí người cựu binh như bị kích động. Bao nhiêu lần ông đào hầm trú ẩn, rồi dùng que, gậy làm súng. Trên mỗi chiếc áo màu lính, tên của từng thương, bệnh binh được in đậm rõ nét. Nhưng họ chẳng nhớ tên, không biết tuổi, cũng không biết người thân, chỉ có những ký ức vụn vặt được chắp vá nơi chiến trường vẫn còn lưu đọng trong tâm trí.
Những người lính chịu ảnh hưởng nặng nề do sự tàn khốc bởi sức ép của bom mìn, đạn pháo khi tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: PT |
Mảnh ghép trọn
Bác sỹ Nguyễn Đình Quân (SN 1981), người đang chăm sóc, điều trị cho các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An là một trường hợp rất đặc biệt. Anh được sinh ra từ tình yêu của hai người lính mất đi ánh sáng và lớn lên tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An. Bố anh là ông Đào Xuân Tình (SN 1952), một người con của xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Còn mẹ anh là bà Cao Thị Hải (SN 1952) lớn lên tại miền quê Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cả hai người cùng tham gia chiến trường Quảng Trị, trở về lúc đất nước hoà bình nhưng đổi lại họ cùng mất đi đôi mắt tinh anh. Dù không thể nhìn thấy, nhưng hai người lính ấy cũng tìm thấy ánh sáng tình yêu bằng nhịp đập trái tim, của sự đồng cảm khi cùng sống ở trung tâm điều dưỡng.
“Tại trung tâm, trong số những người lính thi thoảng còn tỉnh táo thì có những người cả đời này không nhớ nổi mình là ai. Nhưng họ vẫn không bị bỏ lại hay lãng quên. Mỗi ngày trôi qua, những người lính ấy đang sống trong sự yêu thương, chăm sóc đặc biệt tại trung tâm qua bàn tay của những bác sỹ, y tá”.
Ông Nguyễn thiếu Lâm - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An
Nguyễn Đình Quân là người con trai đầu. Ngậm ngùi trong dòng ký ức, bác sỹ Quân kể: “Gia đình đang chuẩn bị lễ giỗ hai năm cho mẹ Hải. Mẹ tôi đã mất và đã được công nhận là liệt sỹ. Hai bố mẹ cưới nhau hơn 40 năm, nhưng chưa một lần nhìn được nhau bằng ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Mẹ thường nói chiến tranh quá đau thương, nhưng cũng nhờ đó bố mẹ mới gặp nhau, mới có 3 anh em chúng tôi”. Sinh ra từ tình yêu người lính và lớn lên trong vòng tay yêu thương của “những mảnh ghép cuộc đời”, nên anh hiểu những khó khăn, nỗi đau mà mỗi người lính từ trận chiến trở về đang gánh chịu. Từ đó, đã thôi thúc anh chọn và theo đuổi ngành y để chữa bệnh, cứu người. Sau khi tốt nghiệp, Quân quyết định xin về công tác tại Trung tâm thương binh tâm thần kinh, chăm sóc các bệnh binh như một cách tri ân với những người lính, người đồng đội của bố mẹ.
Ông Đào Xuân Tình và bà Cao Thị Hải cưới, sống với nhau hơn 40 năm, song chưa bao giờ thấy người bạn đời bằng xương, bằng thịt |
Bác sỹ Nguyễn Đình Quân được sinh ra từ tình yêu của hai người lính đã mất đi đôi mắt. Hiện anh đang chăm sóc, điều trị cho các thương, bệnh binh tại trung tâm |
Năm 1980, một đám cưới nhỏ của cô dâu Hải và chú rể Tình bằng ít mâm cơm đạm bạc. Không màu áo cưới, họ chỉ khoác trên mình màu áo lính, nhưng hạnh phúc ngập tràn trong sự chứng kiến của đồng chí, đồng đội. Từ tình yêu và sự cảm thông, chia sẻ, họ lần lượt sinh hạ ba người con ngay tại trung tâm.
Đến nay, bác sỹ Quân đã có hơn 20 năm công tác trong môi trường hết sức đặc biệt này. Quân nói, bản thân sinh ra trong hai mảnh ghép của chiến tranh, nên anh trân trọng, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của những thế hệ đi trước. Vì thế, hàng chục năm qua, anh cần mẫn chăm sóc, khám chữa bệnh cho các thương binh ở đây như là người thân của mình. “Ở đây những thương, bệnh binh đa phần không còn nhận thức. Hằng ngày các chú các bác vẫn ăn uống bình thường, nhưng nhiều người không còn cảm nhận thức ăn có ngon hay không. Khi người thân đến thăm, các bác cũng không nhớ đó là ai. Chăm sóc các bác ở đây phải làm vì cái tâm, bằng tình yêu thương mới đồng cảm được. Bởi có những lúc lên cơn, các bác lại đánh đập, la hét…”, bác sỹ Quân chia sẻ. Nhắc đến công việc, đôi mắt bác sỹ Quân ngấn nước, bởi anh biết mỗi ngày trôi qua, thời gian được ở bên những người lính ấy không còn nhiều nữa. Thêm mỗi năm, con số người ở lại thêm thưa thớt dần. Vì thế, anh cũng như những điều dưỡng, bác sỹ làm việc tại trung tâm luôn trân trọng từng ngày, từng giờ khi được chăm sóc những người lính, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho họ. “Thời gian qua đi, tuổi thọ của những người lính ở đây bị rút ngắn lại. Hạnh phúc nhất của những người làm việc tại trung tâm là hằng ngày nhìn thấy các bác vui đùa, ca hát, cơn đau về thể xác cũng dần giảm đi,…”, bác sỹ Quân chia sẻ.