Cam kết “kinh doanh sạch”: Tuyên truyền để lấy điểm?

Hàng hóa không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán trong chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hàng hóa không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán trong chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chuyện lạ khi chợ Đồng Xuân (Hà Nội), điểm nóng của hàng không nguồn gốc, được lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với ban quản lý chợ áp dụng mô hình “kinh doanh sạch”. Năm nào cũng cam kết “sạch”, nhưng thực tế ra sao?

Cam kết, vẫn vi phạm


Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) lại phối hợp với Ban Quản lý chợ Đồng Xuân triển khai ký cam kết với hơn 2.000 hộ kinh doanh tại chợ, phải đảm bảo “kinh doanh sạch”. 

Bản cam kết đề cập đến hàng loạt nội dung mà lâu nay, ai từng đi chợ Đồng Xuân đều nghĩ rất khó thực hiện, như: Yêu cầu quầy kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; không buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá bán và bán hàng theo giá niêm yết...

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, tại chợ Đồng Xuân sáng 22/7, hàng hóa không ghi rõ nguồn gốc vẫn được bán khắp nơi. 

Chị Hương, tiểu thương bán quần áo tại chợ cho biết: “Quầy tôi vẫn bán quần bò từ Trung Quốc vì hàng rẻ, đẹp. Tôi chỉ nhập ít hàng Việt Nam”. Dạo qua một vòng chợ từ tầng 1 đến tầng 2, hàng hóa từ vải, quần áo, túi xách, đồ gia dụng..., nhiều quầy vẫn không niêm yết giá. 

Đa số tiểu thương đều cho rằng, do bán cho khách buôn nên không niêm yết giá. Nguồn gốc hàng hóa phần nhiều nhập từ Trung Quốc.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Xuân Thủy, TGĐ Cty CP Đồng Xuân, đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân cho biết, mô hình “kinh doanh sạch” rất tốt, nhưng hiện mới tuyên truyền tới các tiểu thương. Muốn mô hình đi vào thực tế phải mất vài năm nữa. 

Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng này đã phát hiện nhiều sai phạm khi kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Gai, chợ Đồng Xuân.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường này đã kiểm tra, xử lý trên 630 vụ, phạt tiền trên 4 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu gần 2,8 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thu giữ 480 chiếc túi xách, dây lưng, ví; hơn 11.500 chiếc quần, áo...

Chỉ là tuyên truyền?

Theo ông Thủy, năm 2012-2013, Ban quản lý chợ đã làm việc với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng việc chưa thành vì vướng cơ chế hỗ trợ cho tiểu thương. 

Ông cho hay, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận với hộ dân kinh doanh nhỏ lẻ, vì doanh nghiệp bán hàng muốn lấy tiền ngay, hàng hóa lỗi trả lại khó. Trong khi, hàng Trung Quốc có lái buôn giao tận nơi, lỗi trả lại ngay trong ngày và nợ tiền trong cả tháng.

“Một ngày cả chục tấn hàng xuất ra khỏi chợ. Vào tháng cao điểm lên tới 20 tấn hàng. Đó là số lượng hàng hóa không nhỏ. Các hộ dân kinh doanh trong chợ tuy nhỏ lẻ, nhưng hàng hóa được dân buôn lấy, phân phối len lỏi vào các địa phương vùng sâu, vùng xa. Hạn chế bán hàng Trung Quốc mà không có hỗ trợ thì mô hình sẽ thất bại”, ông Thủy nói. 

Cũng theo ông Thủy, hiện tuy đã có chế tài xử phạt, nhưng không giải quyết tận gốc vấn đề mà tiểu thương cần. Vấn đề là phải làm đồng bộ trên tinh thần chuyển hướng kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc trong nước.

Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Quản lý thị trường số 2 cho biết, các hộ có dấu hiệu kinh doanh hàng giả, kém chất lượng phải ký cam kết. Thế nhưng, theo ông, việc ký cam kết cũng là hình thức để tuyên truyền, vận động các tiểu thương chấp hành các quy định. Lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra thường xuyên, nếu hộ nào thực hiện không đúng sẽ xử phạt nghiêm.

Theo Ban quản lý chợ Đồng Xuân, hàng hóa Trung Quốc tại chợ giảm từ 30- 40% so với cách đây 2 năm. Cụ thể, mặt hàng vải giảm còn 55- 60% (trước đây 80-90%), giày dép còn 30 -40% (trước đây 70 – 80%)...

MỚI - NÓNG