Cam chịu

Cam chịu
TP - Người Việt Nam ta tự ngàn xưa đã hun đúc được cho mình một đức tính quý, đó là tính kiên nhẫn. Nhưng đức tính đó giờ đã bị chuyển hóa trong một bộ phận người Việt, biến họ trở thành những người Việt cam chịu...

Chịu thương chịu khó, nhẫn nại cần cù, không quản ngại bất cứ khó khăn nào, sẵn sàng đương đầu với những thử thách, vượt lên trên mọi hoàn cảnh để giành lấy những giá trị sống đích thực, tạo nên một phần phong cách sống của dân tộc ta.

Nhưng đức tính đó giờ đã bị chuyển hóa trong một bộ phận người Việt, biến họ trở thành những người Việt cam chịu. Hàng ngày chúng ta chứng kiến bao nhiêu việc không vừa tai phải mắt mình, nhưng chúng ta dường như vô cảm, phó mặc coi như không phải việc của mình.

Nam Cao viết “Làng Vũ Đại ngày ấy”, cũng có nhắc đến tính xấu này của người Việt, đó là khi nghe Chí Phèo chửi đổng từ đầu xóm đến cuối xóm, ai cũng cho rằng “chắc nó chừa mình ra”, mặc dù ai cũng nghe thấy và Chí Phèo cũng  chẳng nói rõ là “chừa” ai cả.

Thấy một số quan chức xây nhà to, đi xe đẹp, con cái vi vu du học nước nọ nước kia… bằng tiền ngân sách, tiền do tham ô mà có, người Việt cũng cam chịu, coi đó là “bổng lộc” mà người ta xứng đáng được nhận.

Biết là họ sống bằng mồ hôi nước mắt của dân đấy nhưng có ai thắc mắc đâu, thậm chí còn tấm tắc khen họ giỏi, nhà người ta có phúc lớn… Thế là “chạy”.

Chạy đôn chạy đáo để được vào một vị trí, hết hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, rồi chấp nhận coi như “làm không công” hàng năm, thậm chí hàng chục năm để “âm thầm chờ đợi”, khi thời cơ đến là tìm mọi cách để… kéo lại vốn. Coi đó là quy luật tự nhiên của xã hội.

Tại sao có những trường hợp cảnh sát giao thông ăn chặn tiền người đi đường; tại sao một số quan chức hạch sách nhũng nhiễu dân; tại sao một bộ phận y, bác sĩ ăn tiền của bệnh nhân;…? 

Một phần là họ đang trong quá trình “thu hoạch” lại sau khi đã “đầu tư” để có được vị trí đó, nhưng chưa đủ, bởi nguyên nhân chính là do những người Việt cam chịu đã làm hư họ bằng những suy nghĩ, hành động tưởng như giản đơn: “Ai chẳng thế, cứ gì mình, nhanh nhanh cho được việc”.

Nếu tiếp tục cam chịu, lâu dần, bộ phận người Việt này sẽ trở nên thờ ơ, lãnh cảm và cô độc.

Họ thờ ơ với sự tiến bộ chung của xã hội, lãnh cảm đối với những bất công vẫn ngày ngày xảy ra xung quanh mình, rồi họ lại sẽ bị chính xã hội tiến bộ mà họ đang sống đào thải, và cuối cùng họ trở thành những con người cô độc. 

 Nguyễn Hữu Túc
Hà Nội

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.