Cái khó ló cơ hội

Cái khó ló cơ hội
TP - Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, Trung Quốc đang là đối tác xuất và cả nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 116,8 tỷ USD trong năm 2019. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có trao đổi thương mại đạt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam.

Năm 2019 thâm hụt của nước ta tới hơn 34 tỷ USD khi xuất sang Trung Quốc 41,4 tỷ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỷ USD ở chiều ngược lại. Về quy mô, riêng thị trường Trung Quốc đang chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Về nhập khẩu, Trung Quốc là đối tác đáp ứng tới gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Bên cạnh thâm hụt thương mại Việt Nam – Trung Quốc mỗi năm lên tới hàng chục tỷ USD và kéo dài nhiều năm qua, việc phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cho hầu hết các ngành sản xuất của Việt Nam là bài toán chưa có lời giải. Xét ở mặt tích cực, nhiều ngành hàng của Việt Nam trong năm qua, thậm chí là cả với nhiều địa phương, xuất khẩu sang Trung Quốc góp phần lớn cho tăng trưởng của ngành, địa phương. Có tới 11 nhóm hàng của Việt Nam đang đạt hơn 1 tỷ USD kim ngạch sang Trung Quốc.

Với nông sản Việt Nam và nhiều ngành hàng khác, cứ mỗi lần Trung Quốc “hắt hơi sổ mũi" vì dịch bệnh hay siết quy định, nâng tiêu chuẩn nhập khẩu là hàng hóa của Việt Nam lại rơi vào cảnh chao đảo, kéo theo rớt giá thảm hại.

Chỉ với việc Trung Quốc kéo dài thời gian đóng cửa khẩu do dịch virus corona khiến nhiều thanh long, dưa hấu ở nhiều địa phương lập tức rớt giá thảm hại nhiều ngày qua, một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc phụ thuộc khi xuất khẩu. Chuyện “cũ mà không mới” lần này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc khi những ngày qua, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã phải tổ chức tới 5 cuộc họp khẩn của hai ngành để bàn giải pháp. Thậm chí trong cuộc họp của ngành công thương, đích thân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phải liên tục nhắc đến việc “Đây là lúc chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành kinh tế”.

Trong cái khó luôn có cơ hội, việc tìm cách thoát khỏi phụ thuộc thị trường Trung Quốc của nhiều mặt hàng xuất khẩu đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay, làm thế nào vẫn là câu hỏi mở đặt ra với ngành nông nghiệp và công thương. Việc người đứng đầu ngành công thương yêu cầu các đơn vị trong ngành phải nghiên cứu, đưa ra giải pháp ứng phó trong dài hạn ứng với từng kịch bản diễn biến của dịch corona là cần thiết trong bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hàng hoá được coi là bước khởi đầu cho nhiều bộ ngành cùng đưa ra các giải pháp để hàng hóa Việt ngày càng đa dạng thị trường xuất khẩu, không còn bị lệ thuộc vào một số thị trường như trước đây.

Việc chuẩn bị sẵn cho các tình huống xấu về kinh tế, thương mại đi kèm với các hành động cụ thể và chủ động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ có tác dụng lớn trong việc giúp hàng Việt Nam mạnh mẽ hơn trên nhiều phương diện.

MỚI - NÓNG