Cách tranh cử tổng thống Mỹ thời internet

Tranh cử tổng thống Mỹ qua mạng xã hội đang dần trở thành lựa chọn ưa thích của một số ứng cử viên. 

Cách tranh cử tổng thống Mỹ thời internet ảnh 1
Hình tượng Hillary Clinton trong cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2016

Đây được coi là một xu thế tất yếu trong “kỷ nguyên số” toàn cầu, nơi khoảng 77% người trưởng thành thường xuyên cập nhật tin tức qua mạng xã hội facebook.

Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ mới đây cho rằng, trong lịch sử, các ứng cử viên tổng thống Mỹ thường chọn cách phổ biến nhất để tuyên bố ứng cử cho vị trí người đứng đầu Nhà Trắng, đó là đọc diễn văn tranh cử. 


Kể từ vòng bầu cử năm 2004, có 27 trong số 41 ứng viên chọn cách xuất hiện trong những cuộc tranh luận tổng thống của đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Ngoài ra, một số ứng cử viên còn chọn các chương trình truyền hình để đưa ra thông điệp tranh cử chính thức của mình.

Thế nhưng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, ngoài hai ứng viên là Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida và Rand Paul của bang Kentucky vẫn chọn cách truyền thống, đã có ít nhất hai ứng viên chọn mạng xã hội là nơi truyền đi thông điệp đầu tiên về tham vọng chính trị của mình. Đó là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz.

Trong khi bà Hillary Clinton  chọn cách phát đi tuyên bố tranh cử bằng một video đăng trên YouTube giống như cách mà bà đã làm hồi năm 2008, ông Ted Cruz lại gửi đi thông điệp của mình thông qua mạng xã hội Twitter: “Tôi sẽ ứng cử tổng thống và hy vọng được các bạn ủng hộ!”

Theo trang mạng cnet.com, tiếp sau một email để chọn các nhà tài trợ và ủng hộ, đội vận động tranh cử của bà Clinton đã công khai kế hoạch chạy đua vào Nhà Trắng của bà Clinton thông qua một số trang web và mạng xã hội. Cụ thể là trên tài khoản YouTube chính thức của cựu Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton đã đăng một đoạn video dài hai phút có tiêu đề "Bắt đầu". 


Video được mở đầu với hình ảnh một số người nói về những kế hoạch cá nhân mà họ đang chuẩn bị thực hiện, từ ý định trồng cà chua đến nộp đơn xin việc. Cuối cùng, bà Clinton xuất hiện và nói rằng bà “cũng sẵn sàng làm một điều gì đó”, đồng thời tuyên bố: “Tôi sẽ ra tranh cử tổng thống”.

Chưa biết liệu xu thế tranh cử trên internet cuối cùng có thật sự ưu thế hơn các phương pháp truyền thống không, song hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh cá nhân của các ứng cử viên đã được chứng minh tức thì.

Bằng chứng là chỉ ít giờ sau khi đăng tải, đoạn video tranh cử của bà Clinton đã nhận được hơn 2000 lời bình luận và phản hồi. Tài khoản YouTube của cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng đã có thêm hơn 5.700 người đăng ký theo dõi. Đoạn video tương tự được đăng trên tài khoản facebook của bà Clinton cũng có hơn 607.000 lượt xem và khoảng 20.000 lượt chia sẻ.

Trong khi đó, theo tờ Huffington Post, thông báo của bà Clinton trên Twitter đã có 3 triệu lượt xem chỉ trong vòng 1 giờ sau khi đăng tải. Cũng chỉ trong vòng nửa giờ sau đó, cái tên H.Clinton đã được nhắc đến 7000 lần mỗi phút trên Twitter.

Tương tự, theo Bloomberg, thông báo tranh cử của ông Ted Cruz trên mạng xã hội Twitter cũng đạt tới 3 triệu lượt xem chỉ trong vỏn vẹn 1 ngày.

Có thể nói, sự nổi tiếng của bà Clinton nói riêng và gia đình Clinton nói chung là một phần nguyên nhân tạo nên “cơn bão” trên mạng xã hội những ngày qua. Nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của internet cũng như các mạng xã hội đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Việc tuyên bố tranh cử tổng thống trên internet đang dần trở nên phổ biến hơn ở xứ cờ hoa. Đến nay, tính cả bà Clinton và ông Ted Cruz thì đã có 7 ứng cử viên chọn internet để chính thức tuyên bố quyết định tranh cử tổng thống.

Những con số thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, hiện có tới 77% người trưởng thành sử dụng internet ở Mỹ dùng facebook, khoảng 23% người chọn theo dõi hay thích (like) các tài khoản của những tổ chức, cá nhân thuộc các đảng phái chính trị và gần 32% nói rằng đã đăng tải hoặc chia sẻ tin tức, quan điểm liên quan tới các vấn đề chính trị. Ngày càng có nhiều người Mỹ đón nhận các tin tức chính trị từ những nguồn tin trên mạng xã hội hoặc các tài khoản mạng xã hội như facebook hay Twitter của các chính trị gia.

Với vai trò ngày càng lớn của internet như vậy, không có gì ngạc nhiên nếu trong tương lai, các phương pháp tranh cử tổng thống Mỹ truyền thống sẽ nhường chỗ cho xu thể tranh cử trên internet, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Những hiệu quả bất ngờ mà bà Clinton nhận được từ YouTube, facebook hay Twitter thời gian qua cũng sẽ là cơ sở để cựu Ngoại trưởng Mỹ và ngay cả những ứng cử viên tổng thống khác chọn mạng xã hội là phương tiện chính cho các chiến dịch vận động tranh cử sắp tới của mình.

Theo Theo quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG