Chiều 15/10, Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức của TPHCM khai mạc kỳ tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2024. Trong 8 ứng viên dự thi, có 3 người thi tuyển viên chức và 5 người thi tuyển công chức.
Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, Phó chủ tịch Hội đồng kỳ tuyển dụng, cho biết năm nay, UBND TPHCM thông báo tuyển 19 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Tuy nhiên, Sở chỉ nhận được 15 hồ sơ và sàng lọc 8 hồ sơ đủ tiêu chuẩn, điều kiện. “Điều đó cho thấy tiêu chuẩn của kỳ tuyển chọn là rất khắt khe. Những thí sinh được lựa chọn là những nhân tố thực sự tiêu biểu, chất lượng”, ông Thuận nói. UBND TPHCM sẽ tạo mọi điều kiện để các ứng viên thể hiện hết khả năng, kiến thức và tâm huyết của mình.
Theo quy định, để dự tuyển, ứng viên phải tốt nghiệp sư phạm loại xuất sắc, dưới 30 tuổi. Đồng thời, khi học phổ thông, ứng viên phải đạt giải ba (cá nhân) trở lên khi thi học sinh giỏi tỉnh, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và các cuộc thi Olympic do Bộ GD&ĐT công nhận; hoặc giải khuyến khích thi học giỏi quốc gia trở lên, bằng khen trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế.
Về quy trình, hội đồng tuyển dụng sẽ xét kết quả học tập và phỏng vấn ứng viên về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong 30 phút. Người trúng tuyển có điểm phỏng vấn từ 50/100 điểm trở lên, xét theo thứ tự từ cao xuống thấp. Việc phân công người trúng tuyển sẽ được Sở tính toán để phù hợp nhu cầu của nơi tiếp nhận, điều kiện của ứng viên, làm sao để họ phát huy được năng lực trong thực tế giảng dạy.
Các ứng viên trong kỳ tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2024. Ảnh: Nhàn Lê |
Theo ông Thuận, năm 2023, UBND TPHCM tuyển dụng được 3 viên chức theo Nghị định 140 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Những cán bộ trẻ này hiện làm việc tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM. Qua một năm công tác, các viên chức trẻ đã phát huy được kiến thức, năng lực và có nhiều đóng góp trong hoạt động chuyên môn cho cơ quan, đơn vị của mình.
Góp sức phát triển thành phố
Tốt nghiệp thủ khoa ngành Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Nguyễn Duy Tuấn (26 tuổi) nhanh chóng có việc với mức lương tốt tại một doanh nghiệp tư nhân. Tuy vậy, Tuấn vẫn quyết định ứng tuyển vào vị trí chuyên viên Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM.
“Ở công ty tư nhân, tôi làm công việc chuyên về kỹ thuật, còn vị trí tuyển dụng mới lại chuyên về công tác quản lý. Nếu trúng tuyển vào vị trí chuyên viên, tôi sẽ nhận lương thấp hơn hiện tại, nhưng bù lại có thêm thu nhập từ chính sách ưu đãi đặc thù và thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08. Điều này khiến tôi không có chút do dự mà rất yên tâm khi nộp đơn ứng tuyển. Quan trọng hơn, tôi được vận dụng những kiến thức đã học để góp phần phát triển thành phố”, anh Tuấn chia sẻ.
Là ứng viên duy nhất thi tuyển giáo viên, Nguyễn Đinh Thu Hiền (22 tuổi, cử nhân Sư phạm Toán Trường Đại học Sư phạm TPHCM) nói không chọn dạy ở các trường tư với mức lương hấp dẫn mà chọn môi trường công lập. “Tôi chọn thi tuyển vào trường công vì môi trường này phổ cập kiến thức cho mọi đối tượng học sinh, giúp trẻ em được tiếp cận giáo dục với chi phí rẻ nhất. Tôi muốn truyền đam mê Toán học đến thế hệ mai sau”, chị Hiền bày tỏ.
Cách nào giữ chân người tài?
Tại Đại học Quốc gia TPHCM, theo kết quả tuyển dụng đợt 3 đề án VNU350 (chương trình thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc đến năm 2030), có 7 ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn sắp tham gia phỏng vấn tại các đơn vị. Cả 7 ứng viên có bằng tiến sĩ, tốt nghiệp từ các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc. Trước đó, trong 2 đợt đầu của chương trình VNU350, đại học này tuyển được 21 nhà khoa học.
Theo nội dung chương trình, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ giao đề tài nghiên cứu cho các nhà khoa học với kinh phí tối đa từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho 2 năm đầu tiên. Các năm sau, kinh phí đề tài lên tới 1 tỷ đồng đối với nhà khoa học trẻ; hỗ trợ 10-30 tỷ đồng để đầu tư phòng thí nghiệm hay lập nhóm nghiên cứu mạnh.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến năm 2023, tức 5 năm liên tiếp, không có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút về làm việc tại các đơn vị của TPHCM theo Nghị định 140 của Chính phủ. Đến tháng 1 năm nay, TPHCM lần đầu tiên tuyển dụng được 3 nhân sự trúng tuyển giáo viên THPT, chuyên viên hành chính tổng hợp.
TSKH. Nguyễn Quốc Bình là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chuyển nạp gene trên cây trồng tại Đại học Laval, TP Québec (Canada). Anh quyết định từ bỏ cuộc sống ổn định ở một đất nước phát triển để về Việt Nam theo chính sách thu hút nhân tài của TPHCM. Anh nhìn nhận việc trọng dụng người tài ở TPHCM còn nhiều hạn chế.
Anh Bình cho rằng, TPHCM chưa có một quy chuẩn việc làm bài bản mà vẫn theo cơ chế nửa vời. Điều này khiến công việc không được giải quyết nhanh. “Chúng ta vẫn làm việc theo cơ chế xin - cho, khác với các nước tiên tiến. Cách làm của chúng ta vẫn còn chậm rãi, rề rà nên hiệu quả chưa cao. Cơ chế ở nhiều đơn vị chưa chú trọng đặt vị trí người giỏi chuyên môn lên làm lãnh đạo mà vẫn có tư tưởng sống lâu lên lão làng”, TS. Bình nói.
Theo anh Bình, các chuyên gia, nhà khoa học từ nước ngoài chỉ đồng ý về Việt Nam làm việc với điều kiện phải được phát huy hết khả năng. Họ có chuyên môn cao nên phải được đặt đúng vị trí, để họ dám đưa ra những quyết định đột phá và dám chịu trách nhiệm về lĩnh vực mình phụ trách. Từ đó, anh đề xuất không nên tuyển dụng nhân tài tràn lan mà lựa chọn những lĩnh vực mũi nhọn để người tài có thể tạo ra đột phá, góp phần giúp thành phố phát triển hơn. Ngoài ra, người tài cần có những đãi ngộ tương xứng để yên tâm gắn bó.
Ngày 15/10, tại hội nghị giao ban chuyên đề “Những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ gắn với thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng Đề án 01 về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TPHCM giai đoạn 2020 - 2035. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ trẻ cấp thành phố không đạt yêu cầu so với quy định và việc thực hiện Đề án 01 vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đặt ra. NGÔ TÙNG