Cách nào giải tắc đầu tư công, Bài 3: Cần rõ trách nhiệm

Cầu Vĩnh Tuy đang xuống cấp và ùn tắc, song Dự án xây cầu Vĩnh Tuy 2 vẫn chưa biết ngày nào được khởi công Ảnh: Như Ý
Cầu Vĩnh Tuy đang xuống cấp và ùn tắc, song Dự án xây cầu Vĩnh Tuy 2 vẫn chưa biết ngày nào được khởi công Ảnh: Như Ý
TP - Để vốn đầu tư công bị giải ngân chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí gây lãng phí…, nhiều chuyên gia cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo chính quyền thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, 107 tỷ đồng vốn đầu tư công được Trung ương phân bổ cho thành phố Hà Nội, sau đó được HĐND thành phố duyệt chi cho đầu tư phát triển.

Thực tế, nguồn vốn này được duyệt dựa trên danh sách hơn 1.000 công trình trên các lĩnh vực như giao thông, cấp-thoát nước, môi trường, y tế, hạ tầng đô thị… được UBND thành phố lập ra để trình HĐND thành phố thông qua. Sau 4 năm thực hiện, UBND thành phố vừa báo cáo còn khoảng 37.000 tỷ đồng và sẽ hoàn thành giải ngân trong năm nay.

“Thực tế, toàn bộ số tiền này đã phân bổ cho các dự án rồi, tuy nhiên do chưa giải ngân được, hay nói cách khác là có tiền nhưng chưa tiêu được nên hiện nay còn tồn lại”, ông Quân nói.
Từ thực tế giám sát và theo dõi của HĐND thành phố, ông Quân cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong việc giải ngân vốn đầu tư công trên là do các dự án triển khai chậm. Nguyên nhân chính của việc này là vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) và thủ tục triển khai.

Theo ông Quân, có thủ tục triển khai dự án mất đến 1,5 năm. Đề cập giải pháp, ông Quân cho biết, giải pháp ở đây đang được HĐND thành phố tính đến là phải điều chuyển vốn đầu tư công. Cụ thể, trong hơn 37.000 tỷ đồng đã phân bổ cho các dự án nhưng chưa giải ngân được, nếu từ nay đến cuối năm không khả thi thì phải điều chuyển cho các dự án cấp bách khác. “Đây sẽ là nội dung quan trọng được HĐND thành phố xem xét trong kỳ họp bất thường diễn ra trong tháng 5 này”, ông Quân nói.

Chậm tiến độ - vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ 

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, đầu tư công có hai vai trò to lớn là giúp an sinh xã hội và giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng HĐND thành phố đã duyệt chi và thực tế số vốn đầu tư công trên đã chảy về nằm ở kho bạc nhưng không tiêu được trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu chính quyền thành phố. Tiếp đến là lãnh đạo các ban quản lý, sở ngành, quận huyện liên quan.

Theo ông Nghiêm, qua các cuộc họp giữa UBND thành phố với thường trực Thành ủy, HĐND thành phố, nguyên nhân chính đã được làm rõ là vướng ở khâu GPMB và thủ tục triển khai. Vậy mặt bằng ở đây là nằm ở các quận huyện - nơi dự án đi qua, còn thủ tục nằm ở các sở liên quan đến thủ tục đầu tư như Sở KH&ĐT, Sở QH&KT, Sở Xây dựng, Sở GTVT… Do vậy vấn đề mấu chốt để xác định trách nhiệm ở đây không hề khó. Vậy tại sao đơn vị thi công đụng vào là vướng đủ thứ?

“Công trình cấp bách, dự án trọng điểm bị chậm, bị phát sinh chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng đầu tư công là rất nghiêm trọng, nhưng trong nhiều năm qua, không ít lãnh đạo quận và sở,  ngành liên quan tại 2 (đường vành đai 1 và vành đai 2) dự án này vẫn “hoàn thành tốt nhiệm vụ””.

Cách nào giải tắc đầu tư công, Bài 3: Cần rõ trách nhiệm ảnh 1


TS Đào Ngọc Nghiêm, 
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch 
và Phát triển đô thị Hà Nội

Dẫn chứng cụ thể ông Nghiêm nêu: Dự án đường vành đai 1 và vành đai 2 triển khai 20 năm nay và công trình nhiều lần đội giá nhưng đến nay việc mở rộng, thông suốt tuyến đường theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa biết ngày nào xong, thậm chí có đoạn đến nay chưa khởi công. Công trình cấp bách, dự án trọng điểm bị chậm, bị phát sinh chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng đầu tư công là rất nghiêm trọng, nhưng trong nhiều năm qua, không ít lãnh đạo quận và sở,  ngành liên quan tại 2 dự án này vẫn “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, hết nhiệm kỳ vẫn được luân chuyển, đề bạt, thậm chí có người lên vị trí lãnh đạo UBND thành phố. 

“Điều này chứng tỏ chính quyền thành phố chưa quyết liệt, chưa làm rõ, xử lý trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị liên quan. Mỗi lần phải đề cập đến trách nhiệm lại đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, yếu tố khách quan mà không chịu nhìn thẳng vào vấn đề, không chịu tháo gỡ, cuối cùng là hòa cả làng”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Lập tổ công tác đặc biệt gỡ vướng 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội (Cơ quan thường trực quản lý, phân bổ đầu tư công) cho biết: Hà Nội đang tích cực chỉ đạo đôn đốc tháo gỡ. Đặc biệt, lần đầu tiên UBND thành phố Hà Nội thành lập tổ công tác đặc biệt để gỡ những ách tắc của các dự án đầu tư công.

Quan điểm của thành phố là sẽ giải ngân hết số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Do vậy trong trường hợp các đơn vị, trong đó có các quận huyện được phân bổ số vốn trên, nếu trong năm nay chỉ giải ngân đạt dưới 90% kế hoạch được giao thì lãnh đạo thành phố có chủ trương trước mắt các đơn vị này không được bình xét thi đua, khen thưởng của năm 2020.

Cũng theo ông Quyền, từ thực tế công tác giải ngân và thực hiện các dự án trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2016- 2020, sau khi Sở KH&ĐT tham mưu lãnh đạo thành phố đã đưa ra giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, sở ngành quận huyện. Cụ thể, với 5 dự án trọng điểm, cấp bách được HĐND thành phố chấp thuận, các sở liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Với các dự án còn lại trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 đã được cân đối bố trí vốn thực hiện năm 2020 nhưng chưa được giao kế hoạch đầu năm, thành phố yêu cầu trước 30/6 phải hoàn thành thủ tục để triển khai.

Cách nào giải tắc đầu tư công, Bài 3: Cần rõ trách nhiệm ảnh 2 Nhiều dự án về bơm tiêu, chống úng ngập của Hà Nội bị chậm tiến độ 
Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

“Các ban QLDA thành phố tập trung thi công các công trình, dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành, bàn giao trong năm 2020. Đối với các dự án không gặp vướng mắc về mặt bằng, chủ đầu tư dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục lập, khởi công xây dựng công trình trước ngày 30/6; với các dự án còn lại trong danh mục kế hoạch đầu tư công triển khai trong năm 2020, chậm nhất phải khởi công trước 30/9”, ông Quyền nói.

Về hướng xử lý vướng mắc về hồ sơ thi công, thanh toán…, ông Quyền khẳng định: Trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, chủ đầu tư dự án phải làm thủ tục thanh toán ngay, không dồn hồ sơ, khối lượng thanh toán vào cuối năm. Các chủ đầu tư chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc; phải kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. 
(Còn nữa)

Hai Ban Trọng điểm giải ngân được rất ít vốn
* Theo kế hoạch giải ngân đầu tư công của thành phố Hà Nội, trong năm nay thành phố phải tiêu khoảng 40.000 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2020 hai trong 5 siêu ban quản lý dự án (QLDA) trực thuộc UBND TP Hà Nội (Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội và Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội) chỉ đặt kế hoạch giải ngân rất thấp. Hai ban này chỉ có kế hoạch giải ngân 1.800 tỷ đồng. Lý do là các ban còn thực hiện nhiều dự án chuyển tiếp, tồn đọng.
* Đại diện một đơn vị thực hiện dự án cho biết, ngoài các thủ tục rườm rà, đơn vị thực hiện dự án phải đi lại nhiều lần để trình các sở, ngành thẩm định, hiện dự án xây dựng đang bị vướng phải những quy định mới của Nghị định 68 về định mức xây dựng. Nghị định 68 có hiệu lực từ 1/10/2019 nhưng đến tháng 4/2020, UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản ủy quyền cho một đơn vị cấp sở đứng ra hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc. “Thực trạng này đã dẫn đến hồ sơ thi công nhiều dự án trên địa bàn thành phố trong 6 tháng qua gần như nằm im, chúng tôi nhiều lần đến gõ cửa để hỏi thì đại diện các sở ngành cho biết, đang chờ hướng dẫn của thành phố”, đại diện một đơn bị thi công dự án tại Hà Nội nói.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.