Đầu tư công toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam: Chậm giải phóng mặt bằng sẽ cản tiến độ

Bộ GTVT đề xuất, sau khi dùng vốn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn thành, Nhà nước sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) để thu hồi vốn. Ảnh: Quyền Thành
Bộ GTVT đề xuất, sau khi dùng vốn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn thành, Nhà nước sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) để thu hồi vốn. Ảnh: Quyền Thành
TP - Chính phủ xác định chuyển làm các đoạn, tuyến của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư theo hình thức BOT sang đầu tư công là một trong các giải pháp để dùng ngân sách kích thích nền kinh tế, góp phần giảm thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Do đó, tiến độ giải ngân vốn cho các dự án này là vấn đề quan trọng. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến là hơn 118.000 tỷ đồng. 

Chuyển 9 dự án BOT cao tốc sang đầu tư công

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ từ BOT sang đầu tư công. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, với mục tiêu khởi công toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc - Nam muộn nhất là tháng 8, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ vào tháng 10/2020.

Theo phương án của Bộ GTVT đề xuất, sau khi dùng vốn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn thành, Nhà nước sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) để thu hồi vốn. Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ KH&ĐT đề xuất chuyển đổi sang đầu tư công cả 8 đoạn (hiện tại đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT) cao tốc Bắc - Nam và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ sang đầu tư công, áp dụng chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ. Nếu chuyển sang đầu tư công toàn bộ 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam, sẽ có khoảng 118.700 tỷ đồng từ ngân sách được “bơm” vào nền kinh tế.

Triển khai nhiệm vụ trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã giao các đơn vị của bộ thực hiện thủ tục báo cáo Quốc hội xin ý kiến. Trong thời gian chờ ý kiến của Quốc hội, các ban quản lý dự án tiếp tục thực hiện công việc, thủ tục tìm kiếm nhà đầu tư BOT theo quy định và các chỉ đạo trước đó.

Hiện tại, 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT đã cơ bản xong giai đoạn sơ tuyển tìm nhà đầu tư (trong đó có đoạn không nhà đầu tư nào vượt qua được sơ tuyển). Cụ thể, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có 2 liên danh nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển hồ sơ; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có 3 nhà đầu tư qua sơ tuyển; còn đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư nào qua sơ tuyển (dù có 3 hồ sơ). Các đoạn còn lại, Bộ GTVT đã thực hiện xong sơ tuyển, đang đợi ý kiến tổ liên ngành nên chưa công bố kết quả.

Có kịp khởi công trong tháng 8?

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, đến nay, các địa phương nơi 11 dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua đã giải phóng mặt bằng được 454/653km (đạt 69,5%). Tuy nhiên, vẫn còn một số đoạn giải phóng mặt bằng mới đạt kế hoạch ở mức thấp, như: Đoạn Nha Trang - Cam Lâm mới giải phóng được 8/49km; Đoạn Mai Sơn - QL45 đạt 35/63km; Đoạn QL45 - Nghi Sơn đạt 25/43km, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt 58/99km… Nếu các địa phương không đôn đốc quyết liệt, tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng khó xong trong quý II/2020. Khi những diện tích mặt bằng còn lại chủ yếu liên quan tới đất ở và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, cáp viễn thông).

Phần đất ở và công trình kỹ thuật rất khó để giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Trên phần đất để làm 11 đoạn tuyến cao tốc, có hơn 1.200 vị trí giao cắt đường điện, hơn 25km đường ống cấp nước và hơn 46km đường cáp viễn thông phải cải tạo, di dời.

Hiện tại, công việc mới dừng ở khâu khảo sát, kiểm đếm, thiết kế để di dời, chưa thống nhất được giải pháp xử lý. Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, việc di dời này mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, nên địa phương còn lúng túng, chưa chủ động (đặc biệt là liên quan tới đường điện cao thế). Ngoài ra, do các địa phương điều chỉnh về khung giá đất năm 2019 và năm 2020  nên phải điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung giá đất mới, mất thêm thời gian.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai giai đoạn 2017-2021 được chia làm 11 dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng. Theo nghị quyết trước đó của Quốc hội, có 3 đoạn sẽ thực hiện đầu tư công và đã được khởi công (gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2). Những đoạn còn lại vẫn được thực hiện kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT song song với việc trình Quốc hội cho phép chuyển sang đầu tư công (gồm: Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây).

MỚI - NÓNG