Cách chữa bệnh suy giảm trí nhớ gần

Cách chữa bệnh suy giảm trí nhớ gần
Cách chữa bệnh suy giảm trí nhớ gần
Chuyện lúc nhớ, lúc quên ngày nay không còn là “thuộc tính” của người già. Theo TS.BS Trần Công Thắng - Phòng khám sa sút trí tuệ, BV Đại học Y Dược TP. HCM cho biết hiện có khoảng 20 – 30% người trẻ tuổi gặp các vấn đề về trí nhớ.

Suy giảm “trí nhớ gần” - chứng bệnh của người bận rộn

Nhiều người xem chuyện nay nhớ mai quên một hai việc là điều bình thường, trong khi đó, đây chính là dấu hiệu của chứng suy giảm trí nhớ.

Bước đầu tiên của quá trình hình thành trí nhớ là thông tin được ghi nhận thông qua những giác quan, ví dụ như hình ảnh ghi nhận bằng mắt, tai nghe âm thanh… Thông tin được mã hóa, lưu trữ trong não. Sau đó, khi con người cần bất cứ thông tin nào, não sẽ giúp “truy xuất” từ kho lưu trữ này.

BS Thắng cho biết: “Ở người trẻ, giảm trí nhớ thường liên quan nhiều đến quá trình ghi nhận. Con người ngày nay có hàng ngàn việc để nhớ, kèm theo áp lực công việc gây ra nhức đầu, đau nhức vai gáy, mất ngủ, stress… Hậu quả của một hoặc tất cả nguyên nhân trên làm cho độ tập trung kém đi và chúng ta không nhớ những chuyện đã xảy ra.

Sự ghi nhận thông tin kém còn có thể do một số bệnh lý như cận thị, khi tầm nhìn bị mờ ảo và có giới hạn. Hoặc khi ghi nhận rồi, quá trình lưu trữ lại bị trục trặc do những sang chấn trong cuộc sống làm tổn thương não như nghiện rượu, chấn thương sọ não”.

Chính vì vậy, việc giảm trí nhớ ở người trẻ thường là giảm trí nhớ gần, mới xảy ra hay còn gọi là trí nhớ công việc. Nhiều bệnh nhân thường than phiền với BS rằng, ra khỏi nhà một lúc lại băn khoăn không biết đã đóng cửa sổ chưa, tắt bếp ga, tắt máy tính chưa…

Bên cạnh đó, BS Thắng còn cho biết, việc suy giảm trí nhớ của người trẻ còn do việc lạm dụng các loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ Amitryptilin, một số thuốc chữa động kinh cho trẻ em, nhóm thuốc corticoid (nhất là ở bệnh nhân hen suyễn).

Ngoài ra, có những dạng không phải là bệnh lý giảm trí nhớ mà người ta gọi là tật đãng trí. Đó là những người làm gì cũng nhanh, nói nhanh trong một khoảng thời gian ngắn… dẫn đến thông tin vào não nhiều quá, không thể kiểm soát nổi. Nhưng những hiện tượng này không tăng lên theo thời gian.

Cách chữa bệnh suy giảm trí nhớ gần

BS Thắng khuyến cáo: “Khi có các dấu hiệu về giảm trí nhớ gần, cần thăm khám để xác định xem đấy là biểu hiện bình thường hay bệnh lý, suy giảm nhận thức nhẹ hay sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ ở người trẻ (40 - 60 tuổi) có thể do các tổn thương não vì tai nạn giao thông, hoặc do một số thể bệnh Alzheimer có tính chất gia đình hoặc do đột biến gen, hay sa sút trí tuệ do tai biến mạch máu não hoặc nghiện rượu.

Biểu hiện bình thường nếu chỉ thỉnh thoảng mới quên. Suy giảm trí nhớ dạng bệnh lý sẽ thường xuyên xảy ra và tăng dần. Ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể quên hoàn toàn, thậm chí được nhắc vẫn không có ấn tượng”.

Về phương pháp điều trị, BS Công Thắng cho biết: “Với loại suy giảm trí nhớ do tuổi tác thì không phải dùng thuốc vì đây là tiến trình tự nhiên của lão hóa. Cần áp dụng một số biện pháp làm giảm ảnh hưởng của việc suy giảm trí nhớ trong sinh hoạt ngày thường và rèn luyện hoạt động trí não.

Với những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ do bệnh lý thì cần được điều trị theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa, với các loại thuốc có hỗ trợ thần kinh làm quá trình nhớ dễ dàng hơn.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG