Thu, chi ngân sách: Vẫn nhiều vi phạm!

Các Tổng Cty nhà nước: Lãi vừa vừa, nợ đầm đìa

Các Tổng Cty nhà nước: Lãi vừa vừa, nợ đầm đìa
TP - Hôm qua, Kiểm toán Nhà nước công bố Báo cáo kiểm toán năm 2007 về niên độ ngân sách nhà nước năm 2006. Đáng chú ý, “Bức tranh” tài chính của các Tổng Cty nhà nước được nhìn nhận rõ.
Các Tổng Cty nhà nước: Lãi vừa vừa, nợ đầm đìa ảnh 1

Theo đó, năm tài chính 2006, kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện, kiến nghị các khoản tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 2.764 tỷ đồng, các khoản giảm chi NSNN là 1.244 tỷ đồng…

Thu, chi ngân sách: Vẫn nhiều vi phạm!

Báo cáo của KTNN cho thấy, năm tài chính 2006,  KTNN đã phát hiện  và kiến nghị tăng thu NSNN 2.764 tỷ đồng (trong đó thuế nội địa là 794 tỷ đồng; thuế XNK 157 tỷ đồng; phí, lệ phí 58 tỷ đồng; thu khác ngân sách 906 tỷ đồng); đồng thời phát hiện và kiến nghị giảm chi NSNN 1.244 tỷ đồng.

Tình trạng kê khai sai thuế suất thuế GTGT, hạch toán thiếu doanh thu chịu thuế, hạch toán  vào chi phí sản xuất các khoản chi không hợp lý, hợp lệ… vẫn xảy ra khá phổ biến. Lĩnh vực này, KTNN đã phát hiện và kiến nghị tăng thu cho NSNN là 1.280,2 tỷ đồng.

Thất thu ngân sách vẫn còn lớn, nhất là các DN xây dựng, nguyên nhân chủ yếu là xác định sai thuế suất, hạch toán thiếu doanh thu và đưa vào chi phí các khoản chi không hợp lý, hợp lệ. Kiểm toán hồ sơ thuế của 470 DN tại cơ quan thuế ở 29 tỉnh, KTNN xác định khoản thuế phải nộp NSNN tăng thêm gần 237,6 tỷ đồng (nếu tính bình quân thất thu thuế cỡ 5 tỷ đồng/DN).

Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị sự nghiệp chưa kê khai hoặc kê khai không  đủ các khoản thuế, kiểm toán 207 đơn vị  thuộc 17 bộ, ngành và 145 đơn vị thuộc 29 địa phương, KTNN xác định thuế và các khoản phải nộp khác tăng thêm gần 254,8 tỷ đồng.

Việc vi phạm trong chi tiêu ngân sách vẫn còn các tồn tại. Tình trạng đầu tư dàn trải diễn ra nhiều năm qua chưa được khắc phục, tiếp tục dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản. Chẳng hạn, dự án đầu tư tu bổ, nâng cấp Nhà hát Lớn Hà Nội điều chỉnh thiết kế chi tiết 212 lần, dự án Bảo tàng Dân tộc học đầu tư tới 20 năm...

Báo cáo của KTNN cho biết, hầu hết địa phương đều vượt dự toán chi thường xuyên, với tỷ lệ từ 30% trở lên do chưa tiết kiệm các khoản mua sắm, hội nghị, khánh tiết, hội họp... Chẳng hạn chi mua sắm tài sản  có giá trị lớn không thực hiện đấu thầu; sử dụng tài sản không đúng mục đích (trụ sở, khuôn viên đem cho thuê) và sử dụng xe ô tô vượt định mức (Lạng Sơn 37 xe, Bắc Kạn 7 xe, Bộ Nội vụ 8 xe…) vẫn còn tái diễn và chậm được khắc phục.

Chuyện các địa phương sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng  không đúng quy định còn  phổ biến, 16/29 tỉnh được kiểm toán có việc này, với số tiền cho vay, tạm ứng đến 31/12/2006 chưa thu hồi  được lên đến 3.216 tỷ đồng. Cá biệt còn có tỉnh sử dụng nguồn cải cách tiền lương  còn dư  để chi thường xuyên, bổ sung vốn đầu tư không đúng quy định tới 677 tỷ đồng (như Vĩnh Phúc 412 tỷ đồng; Lâm Đồng 212 tỷ đồng)…

Tổng Cty Nhà nước: Lãi vừa vừa, nợ nần rất lớn!

Kết quả kiểm toán 225/385 DN thành viên thuộc 19 Tổng Cty Nhà nước năm tài chính 2006 cho thấy, 89,78% DN được kiểm toán kinh doanh có lãi (10,22% kinh doanh thua lỗ).

Tổng lợi nhuận trước thuế của các Tổng Cty Nhà nước được kiểm toán đạt 7.650 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu  đạt 19,37%. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của hầu hết các DN phản ánh chưa đúng doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh và nghĩa vụ với  NSNN.

Qua kiểm toán, KTNN đã xác định phần thuế và các khoản phải nộp ngân sách của 20 Tổng Cty Nhà nước tăng thêm là hơn 273,6 tỷ  đồng.  Cụ thể như Tập đoàn CN Cao su phải nộp thêm hơn 132 tỷ đồng hay Tổng Cty Vinaconex phải nộp thêm  hơn 41,6 tỷ đồng.

Cũng theo KTNN, đến thời điểm 31/12/2006, tổng số nợ phải thu của các Tổng Cty Nhà nước  được kiểm toán  là 25.102 tỷ đồng (bằng 64% vốn chủ sở hữu); nhưng tổng số nợ phải trả  lên tới 65.799 tỷ đồng (chiếm  171,2% tổng vốn chủ sở hữu). Các Tổng Cty có nợ phải trả lớn như Tổng Cty xi măng 13.369 tỷ đồng; Tổng Cty Xăng dầu 12.448 tỷ đồng, Tập đoàn CN cao su 7.257 tỷ đồng…

Xét về cấp độ Tổng Cty Nhà nước thì chỉ 2 trong số 19 Tổng Cty được kiểm toán là kinh doanh  thua lỗ  trong năm 2006, với số lỗ 57,7 tỷ đồng (Tổng Cty Sông Hồng lỗ 17 tỷ đồng; Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn lỗ hơn 40,6 tỷ đồng), nhưng ở cấp độ DN thuộc Tổng Cty nhà nước thì có một số đơn vị lỗ rất lớn.

Chẳng hạn như 2 DN thuộc Tổng Cty Xi măng Việt Nam là Cty xi măng Hoàng Mai lỗ lũy kế hơn 795,5 tỷ đồng, Cty xi măng Tam Điệp lỗ lũy kế  231,6 tỷ đồng; hay Cty xây dựng 88 thuộc Tổng Cty  Xây dựng Trường Sơn lỗ lũy kế hơn 111,6 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ được xác định chủ yếu là do nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên nguồn vốn của đơn vị thấp (bình quân chỉ 37%), vốn vay lớn, chi phí  trả lãi cao, công nghệ sản xuất lạc hậu… Ngoài ra còn có lý do quản lý tài chính yếu kém, nhiều dự án  hiệu quả đầu tư thấp.

Ngân hàng: Lãi lớn, biến báo chi phí cũng nhiều

Kết quả kiểm toán tại 6 tổ chức tài chính, ngân hàng cho thấy, năm 2006 các đơn vị này  lãi sau thuế tới  4.473 tỷ đồng (trong đó Vietcombank 2.736 tỷ đồng; NH công thương 743 tỷ đồng; NH Phát triển  454 tỷ đồng; Bảo Việt 489 tỷ đồng) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao (Vietcombank 44,1%; Bảo Việt 20,26%).

Tuy nhiên, một trong những tồn tại đáng lưu ý của các ngân hàng và tổ chức tài chính đã không phản ánh đúng thu nhập, chi phí. Kết quả kiểm toán đã điều chỉnh giảm thu nhập 4.570 tỷ đồng và giảm chi phí 5.186 tỷ đồng.

“Việc giảm chi phí-đồng nghĩa với tăng lượng thuế thu nhập DN mà ngân hàng phải nộp thêm- vậy KTNN có đánh giá mức độ sai phạm và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức  dẫn đến việc thất thu thuế này không?”-Báo chí đặt câu hỏi. 

Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết: Trong nội dung kiểm toán, KTNN phát hiện việc phản ánh doanh thu, chi phí chưa đúng các chuẩn mực kế toán ở các ngân hàng này và  KTNN mới chỉ điều chỉnh lại doanh thu, giảm chi phí cho đúng,  còn mức độ sai phạm như như thế  nào thì KTNN chưa có đánh giá.

Kiểm toán chưa theo kịp

Trả lời câu hỏi của báo chí “Sao báo cáo kiểm toán lần này không đề cập hiện tượng Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư tràn lan ra ngoài lĩnh vực chính?”, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết:

“Ngoài việc đánh giá theo quy trình, chúng tôi chú ý phân tích tình hình tài chính, việc sử dụng vốn, việc đầu tư ngắn hạn, dài hạn, đầu tư trong, ngoài thế nào. Nhưng việc phát hiện còn chậm nên không có một số liệu cụ thể nào về tỷ lệ vốn đầu tư ra bên ngoài. Vấn đề này phát sinh quá nhanh chóng. Chúng tôi mới chỉ cảnh báo cho từng DN, đơn vị, nhưng cảnh báo chung còn yếu”.

Ông Lê Minh  Khái cũng cho biết, năm 2008 này KTNN sẽ tiếp tục quan tâm đến cơ cấu vốn đầu tư, tình hình tài chính của các tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước, tuy nhiên, do nhân lực nên chỉ chọn 23 tập đoàn, với 3 đơn vị lớn là Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Than Khoáng sản VN và Tổng Cty Hàng hải VN (Vinalines).

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.