Các ‘ông lớn’ bán lẻ chỉ lối cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các doanh nghiệp dệt may, da giày phải đáp ứng, thích nghi với xu hướng thu mua của các kênh phân phối quốc tế và quan trọng nhất là có chiến lược cạnh tranh lâu dài với hàng hoá của nhiều quốc gia khác… là khuyến nghị của đại diện các tập đoàn toàn cầu khi nói về chiến lược tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt.

Tham gia chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải chuẩn bị một cách bài bản

Tại buổi toạ đàm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với Viet Nam International Sourcing 2023 ngày 11/8, đại diện Fast Retailing, Tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo cho biết, để trở thành một cơ sở vững chắc, then chốt trong sản xuất các sản phẩm dệt may, nâng cao chuỗi cung ứng của tập đoàn, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực sản xuất đầu vào để tăng sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam xét trên khía cạnh về giá cả và chất lượng. “Việc phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực sản xuất đầu vào là một trong những yếu tố cơ bản để tăng sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam trong sản xuất, bên cạnh các khía cạnh về giá và chất lượng”, đại diện Fast Retailing cho hay.

Để có thể trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng của Aeon, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam Shiotani Yuichiro cho rằng, doanh nghiệp dệt may Việt cần nỗ lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất tích hợp để tối ưu hoá quy trình và tăng cường hiệu quả sản xuất đồng thời có sự chuẩn bị một cách bài bản và kỹ lưỡng để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận hệ thống mua hàng của Aeon và trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu.

Theo ông Shiotani Yuichiro, ngành dệt may Việt Nam rất khó để cải thiện khả năng cạnh tranh nếu chỉ phát triển theo chiều rộng để tăng số lượng đơn vị sản xuất hoặc hạ giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt cần nỗ lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất tích hợp để nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của thị trường và yêu cầu của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất. Sản xuất tích hợp cũng sẽ giúp ngành dệt may tạo ra những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng với chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Các ‘ông lớn’ bán lẻ chỉ lối cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam luôn cần sự hỗ trợ về thông tin thị trường, vốn... để đủ sức đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn. Ảnh: Như Ý

Theo Tổng Giám đốc Aeon TopValu Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết để ngành dệt may Việt Nam bắt kịp trình độ thế giới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó là cải thiện năng lực sản xuất vải. Cho đến nay, đa số doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu vải và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu (CMT).

“Đối với sản phẩm may mặc, chi phí vải có thể chiếm đến 70-80% giá trị thành phẩm, do vậy lợi thế cạnh tranh giữa các cơ sở gia công là giá nhân công. Tuy nhiên, hiện chi phí nhân công tại Việt Nam lại cao hơn các nước lân cận, trong khi năng suất lại không cao hơn. Vì vậy, nếu phải nhập khẩu vải và thực hiện gia công đơn giản, khi chi phí phân phối tăng, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều áp lực khi so sánh với các quốc gia khác”, ông Shiotani Yuichiro nói.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng cấp cao - phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á của Walmart (Mỹ) cho biết, Việt Nam là một thị trường mua hàng chính của tập đoàn tại Đông Nam Á và Đông Á. Tập đoàn Walmart sẽ tập trung thu mua sản phẩm thuộc 6 ngành hàng chính tại Việt Nam, bao gồm: quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Đại diện tập đoàn bán lẻ Mỹ cũng lưu ý, để tham gia chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam như: năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Đại diện của Amazon tại Việt Nam cho rằng, để khai phá sức mạnh cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu.

Cần ‘bà đỡ’ về thông tin thị trường

Khẳng định quyết tâm gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng đại diện các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam cho rằng điều khó nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn để đầu tư, khả năng tiếp cận với nguồn vốn để thay đổi chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Nếu chỉ có một mình doanh nghiệp thì không thể đáp ứng và làm được mà cần sự đồng hành của các bộ, ngành và cả sự hỗ trợ của ngành ngân hàng.

Ông Phạm Tùng Linh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May Đức Giang cho biết, khó khăn nhiều nhất của doanh nghiệp hiện này chính là thiếu cơ hội gặp gỡ các đối tác quốc tế để biết được nhu cầu của nhà thu mua lớn. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp dù doanh nghiệp được các bạn hàng đánh giá có nhiều tiềm năng. Chính vì sự thiếu cơ hội giao tiếp này thì dẫn đến việc chúng ta giảm khả năng cập nhật thông tin từ các đối tác.

“Đơn cử việc nắm được khi nào đối tác có nhu cầu mở rộng chuỗi cung ứng, hay nhận thức được là nhu cầu nhập khẩu của đối tác.. Mặt khác, các kênh phân phối lớn trên quốc tế hầu hết đã tạo được chuỗi cung ứng riêng và việc tham gia vào chuỗi và cạnh tranh với những nhà cung cấp lâu năm của họ cũng là một phần trong thách thức của doanh nghiệp Việt Nam”, đại diện Tổng Công ty Đức Giang cho hay.

Theo ông Linh, việc các cơ quan chức năng hỗ trợ cung cấp thông tin trực tiếp, kết nối gặp mặt các nhà thu mua sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế về giá, sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới.

Về cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu, bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, doanh nghiệp trong nước vẫn đang chào bán những sản phẩm đang có chứ không phải là sản phẩm thị trường cần.

Theo bà Xuân, đây là vấn đề nan giải đã được các chuyên gia khuyến cáo nhưng doanh nghiệp da giày Việt Nam chưa cải thiện nhiều và vấn đề mấu chốt là thiếu thông tin thị trường. Bản thân các nhà mua hàng cũng không ít lần “nhắc nhở” doanh nghiệp da giày Việt Nam cần phải biết người mua hàng của mình là ai để lựa chọn thông tin gửi đi đủ sức gây ấn tượng.

“Thực tế, không phải doanh nghiệp không biết thông tin thị trường rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Không ít doanh nghiệp đầu tư vốn khủng cho công tác nghiên cứu, khảo sát và thăm dò thị trường, tuy nhiên đó chỉ là một số ít doanh nghiệp lớn có nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp nhỏ vẫn chỉ có thể sản xuất và bán những gì mình có”, bà Xuân cho hay.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, để tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của các nhà phân phối doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, có giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistic, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường…

“Thị trường luôn “muôn màu muôn vẻ” nhưng cùng “tần số” cung - cầu luôn là yếu tố cần thiết cho sản phẩm có chỗ đứng và đứng vững. Để làm được điều này, nỗ lực tìm tòi, đáp ứng của doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi cùng sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng với vai trò đầu mối thông tin là không thể thiếu”, bà Xuân cho hay.

MỚI - NÓNG