Phối hợp với trường đại học, cao đẳng để tuyển sinh, dạy nghề
Là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã hoạt động 15 năm, đại diện Công ty TNHH Cơ khí chính xác SEIKICO (Hà Nội) chia sẻ, một trong những khó khăn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay chính là việc khó tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đại diện công ty chuyên về gia công các chi tiết cơ khí chính xác cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn tại nước ngoài và các doanh nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo lớn của Việt Nam này, số lượng công nhân phổ thông của Việt Nam lớn nhưng tay nghề, chất lượng và kỹ thuật sản xuất đang trong cảnh khó đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Không những khó tuyển dụng, sau khi được đào tạo, công ty cũng rất “đau đầu” trong giữ chân người lao động kỹ thuật cao. Việc khó giữ chân người lao động không chỉ đến từ mức thu nhập cao phải trả mà còn ở câu chuyện chính sách thu hút, sử dụng lao động hiện nay của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã và đang kết hợp với trường đại học như Bách Khoa, Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường cao đẳng nghề tuyển sinh theo hình thức thực tập. Sau đó, công ty đào tạo tay nghề, công ty tuyển dụng và có chính sách tốt về lương, thu nhập cho lao động này”, đại diện Công ty TNHH Cơ khí chính xác SEIKICO chia sẻ kinh nghiệm.
Học viên ngành sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng nghề. Ảnh Q.N |
Số liệu mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho thấy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm hơn 85% trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc trong quý 3/2021. Số người có trình độ nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm hơn 38%.
Từ chỗ “kén chọn” về trình độ, tay nghề, bằng cấp, thậm chí tổ chức thi tuyển bài bản đầu vào để lựa chọn ứng viên thì nay nhiều doanh nghiệp FDI và các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã hạ bớt tiêu chí, chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kí cam kết minh bạch với người lao động với các quyền lợi rõ ràng, hấp dẫn. Dù vậy, việc tuyển dụng cũng không phải dễ dàng.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, vấn đề tái cấu trúc thị trường lao động vẫn đang là khâu yếu của Việt Nam, đặt biệt là chất lượng dự báo cung cầu lao động của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Cần tái cấu trúc lại hệ thống đào tạo thông qua xây dựng chiến lược và quy hoạch đào tạo mới về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ và chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, cần xây dựng cơ chế hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích.
“Bản thân các doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo làm tốt khâu tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp; sát sao thực hành thực tế cho sinh viên, tạo nguồn cung ứng nhân lực chất lượng kịp thời. Đặc biệt, hình thức trực tiếp kết hợp với chính các đối tác để tổ chức các đợt đào tạo tại nước ngoài, chương trình bồi dưỡng chuyên môn sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm”, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khuyến nghị.
Khó tuyển lao động có tay nghề
Dịp cuối năm khi đơn hàng về nhiều, doanh nghiệp lại tất bật treo biển tuyển lao động. Đi dọc theo Quốc lộ 5 qua các khu công nghiệp như Mỹ Hào (Hưng Yên), Hải Dương, hàng loạt công ty treo biển tuyển lao động. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành may mặc khó tuyển lao động vì nhiều thanh niên trẻ có xu hướng thích làm việc tại công ty điện tử.
Theo đại diện một doanh nghiệp ngành điện tử ở khu công nghiệp Thăng Long, để có thể tuyển đủ lao động đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cho dịp cuối năm và đầu năm sau, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã chọn cách thường xuyên tham gia các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, quận Long Biên để tìm người vào làm việc trong các dây chuyền sản xuất.
Đại diện Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành của thành phố đã rất nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là tạo ra các phiên giới thiệu việc làm để kết nối giữa người lao động và chủ sử dụng lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp ngành điện tử, dệt may, chế biến, và cả các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Về lâu dài, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho rằng, để ổn định thị trường lao động, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam cần cải tiến và sáng tạo cách thức tổ chức công việc, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, từ việc mỗi người làm một việc với kỹ năng chuyên biệt, thành kết hợp nhiều kĩ năng để làm nhiều việc hơn. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư và tập trung vào những gì tổ chức và nhân viên mong muốn như: tái thiết kế tổ chức và công việc linh hoạt hơn, đầu tư công nghệ mới, nâng cao sức khỏe toàn diện cho nhân viên, xây dựng văn hóa lãnh đạo lấy con người làm trung tâm.