Các nước đổ tiền cứu nền kinh tế

Quảng trường Thời đại trống trải khi dịch bùng phát tại thành phố New York. Ảnh chụp ngày 18/3. Ảnh: Reuters
Quảng trường Thời đại trống trải khi dịch bùng phát tại thành phố New York. Ảnh chụp ngày 18/3. Ảnh: Reuters
TP - Các nhà lãnh đạo tài chính thế giới cố gắng củng cố niềm tin công chúng bằng cách đổ tiền vào các thị trường đang hỗn loạn, khi nhiều nhà đầu tư ở khắp mọi nơi bán tháo tài sản, tích trữ đồng USD trong lúc đại dịch Covid -19 leo thang.  

Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á đã cắt giảm lãi suất và  nới rộng thanh khoản để ổn định các nền kinh tế gần như tê liệt vì người tiêu dùng bị cách ly, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, giao thông ngưng trệ và các cửa hàng cạn kiệt.

Trong khi các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương áp dụng các chiến lược tương tự, các thị trường, các nước phải đóng cửa đường biên giới, phong tỏa các thành phố lại càng căng thẳng khi các cường quốc thế giới như Mỹ và Trung Quốc lời qua tiếng lại giữa lúc có đại dịch.

Có gần 219.000 trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo trên toàn cầu, bao gồm hơn 8.900 trường hợp tử vong liên quan đến virus. Hơn 20.000 trường hợp đã được báo cáo trong 24 giờ qua, một kỷ lục trong ngày mới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch gây ra một cuộc “tàn sát” trên thị trường chứng khoán: hầu hết mọi loại tiền tệ, ngoại trừ đồng euro và đồng yen, đều mất giá so với đồng USD, theo tường thuật của Reuters.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định đợt mua trái phiếu mới để bơm ra 750 tỷ euro (817 tỷ USD) tại một cuộc họp khẩn cấp vào cuối ngày thứ Tư, trong nỗ lực ngăn chặn suy thoái kinh tế sâu rộng có nguy cơ vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

“Thời kỳ bất thường đòi hỏi phải có hành động phi thường”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói, trong bối cảnh có lo ngại rằng các căng thẳng từ cuộc khủng hoảng hiện nay cuối cùng có thể làm tan rã khu vực đồng euro với tư cách một khối thống nhất về tiền tệ.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã triển khai chương trình tín dụng khẩn cấp thứ ba trong hai ngày, nhằm mục đích duy trì hoạt động của hệ thống quỹ tương hỗ trị giá 3,8 nghìn tỷ USD đề phòng trường hợp các nhà đầu tư rút tiền nhanh chóng. (Quỹ tương hỗ là một hình thức đầu tư gồm nhiều khoản tiền từ nhiều nhà đầu tư tạo nên một quỹ, nhằm mục đích đại diện đầu tư vào chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ thị trường tiền tệ và các tài sản khác-PV).

Hôm Chủ nhật, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần 0% và cam kết mua về các loại giấy tờ có giá trị giá hàng trăm tỷ USD, trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra đề nghị về một gói giải cứu và kích thích kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Số ca nhiễm Covid -19 ở Mỹ đã lên đến 9.400 người, với ít nhất 151 người chết. Hàng triệu người Mỹ đang phải ở nhà.

Trong khi đó, Anh đang chuẩn bị cho việc phong tỏa London khi các ga tàu điện ngầm toàn thủ đô đóng cửa và Thủ tướng Boris Johnson đã cân nhắc các biện pháp cứng rắn hơn để làm chậm sự lây lan. Các trường học sẽ đóng cửa từ hôm nay.

Đồng bảng Anh mất giá xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1985. Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey nói rằng ông sẽ không loại trừ bất cứ điều gì khi được hỏi về việc in thêm tiền.

Úc đã thực hiện một bước đột phá lịch sử sau cuộc họp ngoài lịch trình hôm qua với quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong một tháng.

“Thực sự không có gì là không được bàn đến”, Thống đốc ngân hàng trung ương Úc Australia Philip Lowe nói. “Chúng tôi đang trong thời khắc bất thường và chúng tôi chuẩn bị làm bất cứ điều gì cần thiết”.

Các nhà kinh tế của J.P. Morgan dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 14% trong quý tới và nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm 40% trong quý 1.

MỚI - NÓNG