Các hãng hàng không rốt ráo đi thuê máy bay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc Pacific Airlines phải trả toàn bộ tàu bay để tái cấu trúc tiếp tục khiến thị trường hàng không nội địa thêm khó khăn. Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cao điểm hè là thời điểm nhu cầu khách đi lại cao, các hãng bay Việt đang lùng sục khắp nơi để thuê máy bay đáp ứng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Hàng không Việt Nam - cho biết, hiện nay các hãng hàng không đều gặp tình trạng khó khăn về tàu bay. Như Pacific Airlines vừa trả lại các tàu bay, tái cơ cấu các khoản nợ, Bamboo Airway giảm hơn 20 tàu bay so với năm ngoái để tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong khi đó, Vietravel Airlines không bổ sung được thêm nên thị trường hiện chỉ còn tập trung vào Vietnam Airlines và Vietjet.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm ngoái, các hãng bay Việt Nam có hơn 230 tàu bay, hiện chỉ còn khoảng 170 chiếc, giảm khoảng 25%. Đặc biệt, việc nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) triệu hồi khoảng 600 - 700 động cơ PW1100 trên toàn thế giới đang ảnh hưởng tới Việt Nam.

“Các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác. Việc triệu hồi động cơ sẽ làm cho các tàu bay trên phải dừng bay trong năm 2024 và năm 2025", ông Thắng nói.

Trước tình hình này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin đã chỉ đạo các hãng thuê thêm tàu bay. Như Vietnam Airlines đang thiếu máy bay, nhưng phải cho Pacific Airlines thuê máy bay để tối ưu hóa nguồn lực.

Các hãng hàng không rốt ráo đi thuê máy bay ảnh 1

Việc các hãng đều thiếu tàu bay đang khiến giá vé máy bay đang tăng cao.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc thuê thêm máy bay dịp hè sẽ gặp rất nhiều thách thức do cả thế giới sôi động du lịch. Tuy nhiên, các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet Air đang rất tích cực xúc tiến thuê thêm tàu bay. Cục yêu cầu các hãng cố gắng thuê được sớm nhất để đảm bảo việc đi lại của người dân diễn ra bình thường”, ông Thắng nói.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, việc thiếu hụt tàu bay do phải kiểm tra động cơ, bảo dưỡng khiến hãng gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Ngoài 12 máy bay đang thuộc diện tạm dừng khai thác, hãng còn rất nhiều thiết bị khác của máy bay phải đưa vào bảo dưỡng, kể cả động cơ máy bay Airbus A350.

Đặc biệt, do đứt gãy chuỗi cung ứng, trước đây thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100 - 120 ngày, nhưng hiện để bảo dưỡng xong phải cần tới 250, thậm chí là 300 ngày. Do đó, để gia tăng tần suất buộc doanh nghiệp phải tăng quản trị duy trì được tải cung ứng, phục vụ thị trường.

Trong khi đó, Vietjet đang tạm ngưng 8 máy bay. Hãng này cho biết, sắp tới sẽ tăng thêm số lượng ngay trong dịp cao điểm hè. Tình trạng thiếu máy bay chủ yếu ảnh hưởng đến các dòng thân hẹp như Airbus A320, A321 vốn được sử dụng để phục vụ các chặng ngắn đến vừa và cũng chiếm tỷ trọng lớn trong đội bay toàn cầu. Điều này khiến những chặng nội địa và chặng ngắn sẽ bị ảnh hưởng hơn.

Việc khan hiếm tàu bay đang khiến giá vé máy bay trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay tăng cao. Điển hình, chặng bay từ Hà Nội đến Phú Quốc ngày 27/4 của Vietnam Airlines có giá dao động từ 4,3 - 5,3 triệu đồng/vé phổ thông, nhiều khung giờ hết đã hết vé. Đối với hạng thương gia, vé có mức giá 13 triệu đồng/vé. Giá vé ngày thường dao động mức 2,5 - 3 triệu/vé.

Chặng bay Hà Nội - Quy Nhơn đi ngày 27/4 về ngày 1/5, với hãng Vietnam Airlines giá khoảng 3,1 - 5,9 triệu đồng/vé/chiều. Hạng thương gia lên đến hơn 13 triệu đồng/vé/chiều. Cùng chặng này, nếu bay của hãng Vietjet Air, khách sẽ phải trả mức giá từ 1,6 - 2,5 triệu đồng/vé/chiều (chưa bao gồm thuế, phí).

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.