Cả xã 60 năm không nuôi chó vì... sợ

 Nhiều thập kỷ qua, xã Diễn Nguyên không có bóng dáng của một con chó nào.
Nhiều thập kỷ qua, xã Diễn Nguyên không có bóng dáng của một con chó nào.
Ám ảnh vì nạn chó dại mà hơn nửa thế kỷ nay, người dân xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An không dám nuôi chó, thấy chó làng khác thì đuổi đánh.

Đã nhiều thập kỷ trôi qua, kể từ ngày một người mắc phải vi rút dại khiến cả nhà cùng chết, người xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vẫn không thôi ám ảnh. Cũng từ đó đến nay, làng quê này không một tiếng chó sủa.

Ông Nguyễn Bội (85 tuổi, ngụ xóm 7) là Chủ tịch UBND xã đầu tiên của địa phương này nhớ lại, cách đây 60 năm, người dân ở xã vẫn nuôi chó bình thường, thậm chí có nhà nuôi vài con. Nhưng sau đó đã xảy ra một sự việc khiến cho dân làng đặt hương ước: không nuôi chó.

Ngày đó, có một người đàn ông trong làng bị chó dại cắn. Do không được cứu chữa kịp thời nên người này phát bệnh, lên cơn rồi chết. Thời gian sau lại có nhiều người khác bị chó dại cắn tử vong. Từ đó, người dân cứ thấy chó là sợ. Ai cũng lo lắng cho tính mạng mình và người thân, đến mức nhiều người không dám đi sang nhà hàng xóm chơi vì sợ bị chó cắn. Nhà nào nuôi nhiều chó thời đó cũng bị mọi người xa lánh, không ai dám đến.

Thời đó, dịch chó dại ngày càng lan rộng, người dân hoang mang. Để đối phó với vấn đề này, dân làng thống nhất “xử lý” những con chó còn sống. Chủ trương đưa ra được mọi người ủng hộ và làm theo 100%, không một ai phản đối.

Cũng từ đó một hương ước độc đáo ra đời với nội dung: từ nay trong làng sẽ không bao giờ nuôi chó nữa. Hễ hộ gia đình nào vi phạm sẽ bị làng kỷ luật nghiêm khắc. Từ khi làng “sạch bóng chó”, người dân ai cũng mừng ra mặt, cuộc sống của họ trở lại bình yên.

Cả xã 60 năm không nuôi chó vì... sợ ảnh 1

Cụ Nguyễn Bội, nguyên Chủ tịch UBND xã, cho biết 60 năm qua dân làng không ai phá lệ không nuôi chó.

Một vị cao niên khác trong làng cho biết: “Từ khi đặt ra hương ước, các thế hệ đều nghiêm túc chấp hành, không ai dám phá lệ làng. Sự chết chóc từ đợt dịch chó dại ngày ấy vẫn còn ám ảnh bà con nơi đây, đến giờ cứ thấy chó là chúng tôi rất sợ”.

Họ sợ chó hơn cả sợ cọp. Chó ở nơi khác chạy vào địa phận của xã sẽ bị người dân trong làng kéo ra đuổi đi, thậm chí nhiều con còn bị… xử tử. Người dân vẫn cảnh giác sợ chúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người như ngày trước.

Vì biết dân xã Diễn Nguyên “cạch” chó nên người ở các làng lân cận đều xích chó cẩn thận trong nhà để nó không chạy vào “vùng đất cấm”. Con nào lỡ lao vào bị đánh chết, chủ nhân của nó cũng không dám kiện cáo gì.

Hiện nay đời sống người dân được nâng cao, y học cũng đã có vắc xin phòng chống bệnh dại, một số người dân trong xã ngập ngừng ngỏ ý muốn nuôi chó trở lại cho vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, để thay đổi một phong tục có hơn 60 năm không dễ.

Xét thấy nguyện vọng của một số người dân cũng không sai, UBND xã Diễn Nguyên đã thống nhất giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo các xóm tổ chức phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến người dân về việc có nuôi chó trở lại hay không trên địa bàn xã. Trong lần bỏ phiếu đó, có đến 80% hộ dân ủng hộ việc không nuôi chó. Do đó, hương ước vẫn được giữ nguyên cho đến nay.

Ở làng quê, văn hóa cộng đồng rất lớn, không có mấy người dám làm trái với số đông. Người dân còn lập một ban đi vận động những hộ gia đình muốn nuôi chó trở lại chấp hành quy định. Đa số người dân đều không muốn nhìn thấy bóng dáng con chó nào trong làng.

Phần lớn dân làng đều còn nghèo, nhưng ý thức rất cao, từ lâu đã nhắc nhở nhau không bao giờ xả rác ra nơi cộng cộng, không khí ở đây rất trong lành mát mẻ. Người trong làng đa phần có sức khỏe tốt, các cụ già sống lâu, minh mẫn và khỏe mạnh. Dân làng cho rằng có thể họ sống thọ hơn các làng xung quanh nhờ môi trường sạch sẽ, ban đêm ngủ một mạch không bị làm phiền bởi tiếng chó sủa.

Theo Theo Pháp Luật Việt Nam
MỚI - NÓNG