Bút danh gợi nhớ cố hương

Nhà văn Bảo Ninh
Nhà văn Bảo Ninh
TP - Sau các nhà văn lớp trước lấy những chữ ghép tên quê hương thành bút danh như Tản Đà, Tô Hoài, Nam Cao, Thu Bồn, Bình Nguyên Lộc, nhiều nhà văn hiện đại cũng tiếp tục giữ “xu hướng” này.

Tên tuổi, sự nghiệp các nhà văn Tản Đà, Tô Hoài, Nam Cao đều được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa, học sinh đã được học bút danh Tản Đà là ghép từ núi Tản với sông Đà, còn Tô Hoài là ghép giữa sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức, đều là các địa danh của vùng Hà Nội ngày nay. Trong khi đó, nhà văn Nam Cao, tên thật là Trần Hữu Trí, cũng lấy tên huyện Nam Sương (nay là Lý Nhân) và tổng Cao Đà quê hương ở Hà Nam ghép thành bút danh của mình.

Tác giả trường ca Bài ca chim Chơ Rao, nhà thơ Thu Bồn (1935-2003), khá nổi tiếng nhưng ít người biết tên thật của ông là Hà Đức Trọng. Song đọc bút danh quen thuộc của ông, ai cũng biết ông là người con của vùng đất xứ Quảng “chưa mưa đã thấm”.

Cũng bút danh có tên dòng sông quê hương trong đó là nhà thơ Mã Giang Lân. Nghe bút danh này, ai cũng có thể suy từ dòng sông Mã để đoán được ông quê ở xứ Thanh. Ít người biết tên thật nhà thơ là Lê Văn Lân.

Còn nhà văn Bình Nguyên Lộc, tác giả được đông đảo độc giả miền Nam yêu thích với các khảo cứu văn hóa, lịch sử, tiểu thuyết, truyện ngắn, qua bút danh của mình, cũng ngầm thể hiện niềm tự hào về quê hương Đồng Nai. Tên thật là Tô Văn Tuấn, ông lấy bút danh có chữ Bình Nguyên, chữ Hán nghĩa là Cánh đồng, còn Lộc nghĩa là Nai, nên cái tên Bình Nguyên Lộc chính là tên mảnh đất Đồng Nai quê hương ông.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, tác giả những bài thơ được đông đảo bạn đọc yêu thích như Đợi, Áo đỏ, Trước biển vốn tên thật là Vũ Ngọc Chúc. Bút danh Quần Phương của ông được lấy từ tên làng quê ông sinh ra ở xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Định.

Tác giả tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài chiến tranh Việt Nam Nỗi buồn chiến tranh mang tên thật là Hoàng Ấu Phương. Ông tuy sinh ra ở Diễn Châu, Nghệ An và lớn lên ở Hà Nội cho đến khi gia nhập quân đội, nhưng cụ thân sinh ra ông, Giáo sư Hoàng Tuệ, có quê ở xã Bảo Ninh, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Nhà văn lấy tên xã quê hương làm bút danh và cái bút danh ấy đã nổi tiếng khắp văn đàn, từ truyện ngắn đầu tiên Trại bảy chú lùn, đặc biệt là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã đưa cái tên Bảo Ninh đến với độc giả nhiều nước trên thế giới.

Về xứ Kinh Bắc, nhà thơ Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỷ, sinh tại Bắc Giang. Bút danh Trần Ninh Hồ của ông được ghép từ tên quê mẹ là Mật Ninh và quê cha là làng Sen Hồ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, đều là những làng quan họ quanh phố Nếnh.

Ở xứ Nghệ có nhà thơ Võ Thanh An (1942-2017), vốn có tên thật là Trần Quang Vinh, quê gốc ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông đã lấy ba chữ từ tên xã, huyện và tỉnh trong tên quê hương mình thành bút hiệu Võ Thanh An. Nhà thơ từng công tác tại Bộ Điện và Than, về sau làm biên tập viên trang thơ của tuần báo Văn nghệ.

Có nhà văn cũng dùng tên địa danh làm bút danh, nhưng không phải quê hương của mình. Ở miền Nam, có một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng từ trước năm 1975, sau giải phóng tái xuất văn đàn vào cuối những năm 1980 và cũng gây tiếng vang trong giới trẻ có bút danh khá lạ: Mường Mán. Nghe cái bút danh của ông, nhiều bạn đọc nghĩ ông sinh sống ở một vùng rừng núi xa xôi nào, nhưng ít người biết ông có tên thật là Trần Văn Quảng, sinh ra ở Hội An.

Nhà văn cho biết, ông dùng bút danh Mường Mán do ấn tượng về tên nhà ga Mường Mán (Bình Thuận) được đề cập trong một truyện ngắn của Tô Thùy Yên. Bút danh Mường Mán đã được ông dùng từ bài thơ đầu tiên in trên báo năm 1965, lúc ông 16 tuổi. Sau này, khi viết những tiểu thuyết cho tuổi mới lớn như Ngon hơn trái cấm, Tương tư như bướm, cái tên Mường Mán tiếp tục được bạn đọc trẻ yêu thích.

Hiện nay, có một nhà văn trẻ đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, có một số tác phẩm về đề tài lịch sử dùng bút danh Uông Triều, cái tên gợi ngay đến hình dung về vùng đất Quảng Ninh. Nhà văn tên thật là Nguyễn Xuân Ban cho biết, dù sinh ra ở Hải Dương và hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng anh vẫn coi Quảng Ninh, nơi anh lớn lên là quê hương của mình. Bút danh của anh được ghép từ tên sông Uông ở Uông Bí với tên thị xã Đông Triều.

Trong khi đó, tên thật của nhà thơ Lá diêu bông Hoàng Cầm mới đúng theo tên quê hương ông. Nhà thơ có tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, rút gọn từ địa danh quê nhà, là xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Tuy nhiên, từ lúc bước vào làng thơ văn, ông dùng bút danh là tên một vị thuốc Bắc mang vị đắng.

Các nhà văn có nhiều cách đặt bút danh khá thú vị, ngoài việc giữ nguyên tên như Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng Khoa, còn có cách rút ngắn tên như Xuân Diệu, Huy Cận, hoặc Nguyễn Duy (tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ). Nhiều người khác dùng cách đảo các chữ trong tên thật, như Khái Hưng (tên thật là Khánh Giư),  hay nói lái, như Thế Lữ (tên thật là Nguyễn Thứ Lễ), Lữ Huy Nguyên (tên thật là Nguyễn Huy Lư). Một số người thì dùng cách chơi chữ khác, như Leiba (ghép từ tên Lê Văn Bái), hay TchyA (Đái Đức Tuấn), được giải thích là viết tắt từ “Tôi chỉ yêu Angèle”.

Cách dùng địa danh quê hương làm bút danh, biệt hiệu đã được các văn nhân nước ta sử dụng từ lâu, như khi Nguyễn Du về ở ẩn ở quê, đã dùng biệt hiệu Hồng Sơn liệp hộ (Thợ săn núi Hồng) trong các bài thơ của mình, hoặc nhà thơ Đoàn Thị Điểm dùng biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ (nữ sĩ sông Hồng).  

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.