Theo số liệu từ Sina Sports, cầu thủ nhập tịch Elkeson là người có thu nhập cao nhất với 84 triệu NDT/năm, tức 11,5 triệu euro hay 299 tỷ VNĐ. Những người hưởng lương cao tiếp theo là Fernando (63 triệu), Luo Guofu (43,35 triệu), Alan (25 triệu) và Zhang Linpeng (18,5 triệu).
Mỗi khi lên tuyển, ngoài việc ở khách sạn 5 sao và di chuyển bằng máy bay hạng sang, các cầu thủ còn nhận trợ cấp 290 NDT/ngày (1 triệu VNĐ) nếu ở trong nước và 50 euro (1,2 triệu VNĐ) nếu ở nước ngoài. Với giải tầm cỡ như vòng loại thứ 3 World Cup, mức trợ cấp lên đến 100.000 NDT (355 triệu VNĐ) cho mỗi buổi tập và khoản thưởng cho mỗi trận thắng lên đến 6 triệu NDT (21,3 tỷ VNĐ). Cách đây 4 năm, chi phí của Liên đoàn cho ĐTQG đã là 255 triệu NDT/năm (gần 1 nghìn tỷ VNĐ).
Bóng đá bùng nổ ở Trung Quốc nhờ sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp lớn (chủ yếu là ngành bất động sản). Năm 2019, Sporting Intelligence cho hay, mức lương trung bình ở China Super League lên đến 8,45 triệu NDT, cao thứ 6 trên thế giới, chỉ sau 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. J-League của Nhật Bản vẫn được coi là giải đấu hàng đầu châu Á nhưng mức lương hàng năm chỉ 2 triệu NDT, bằng 1/4 so với China Super League.
Tuyển thủ Trung Quốc trở về sau thất bại trước ĐT Việt Nam. (Ảnh: Sohu) |
Tiền chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của China Super League, thu hút vô số ngôi sao hàng đầu thế giới, kể cả những cầu thủ còn ở đỉnh cao phong độ như Hulk, Oscar hay Graziano Pelle. Ví dụ như Pelle, thật dễ hiểu tại sao tiền đạo người Italia rời Southampton, nơi anh ta nhận được 2,5 triệu euro/năm, để tới Shandong Luneng và nhận nhiều gấp 6 lần (15 triệu euro).
Tuy nhiên, sự giàu có của China Super League dẫn đến việc các cầu thủ Trung Quốc không muốn ra nước ngoài thi đấu. Cầu thủ chạy cánh Zhang Chengdong chỉ nhận 5 triệu NDT trong thời gian cho mượn ở Rayo Vallecano thuộc La Liga, trong khi về nước khoác áo Hebei China Fortune, anh ta kiếm được 13 triệu NDT. Việc Wu Lei đang chơi cho Espanyol đồng nghĩa với sự hy sinh rất nhiều. Đến Tây Ban Nha thu nhập của anh giảm từ 16 triệu NDT xuống còn 7 triệu, thấp hơn nhiều thủ môn Liu Dianzuo mới chỉ 3 lần bắt cho ĐTQG (10 triệu).
Mọi chuyện sẽ ổn nếu các ngôi sao triệu phú đưa Trung Quốc đến World Cup. Khi điều đó không xảy ra, sự phẫn nộ tăng lên gấp bội. Sau thất bại trước Việt Nam, giấc mơ World Cup chính thức tan vỡ và người hâm mộ đất nước tỷ dân sôi sục đòi giải tán ĐTQG. Nhiều người còn yêu cầu các cầu thủ phải… tự đi bộ về nước, thay vì leo lên chiếc chuyên cơ thương mại hạng sang của China Eastern Airlines.
ĐT Trung Quốc trong trận thua 1-3 tại Mỹ Đình ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán. (Ảnh: Sohu) |
Mặc dù vậy, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã sớm điều chỉnh thu nhập cầu thủ. Đầu năm nay quy định giới hạn tiền lương được đưa ra. Theo đó, mức lương bình quân của các cầu thủ ở đội một tại China Super League là 3 triệu NDT/năm (10,6 tỷ VNĐ) và không ai được nhận quá 5 triệu. Ngoài ra các khoản trợ cấp ở ĐTQG cũng sẽ giảm đáng kể.
Ngoài thành tích yếu kém của ĐTQG, sự sụp đổ của hàng loạt doanh nghiệp đứng sau các CLB khiến chi tiêu phải được kiểm soát. Vào năm 2021, 10/16 đội thuộc Chinese Super League được tài trợ bởi các tập đoàn bất động sản, và 5 đội còn lại cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Giờ thì các doanh nghiệp bất động sản đang lao đao và các CLB trở thành gánh nặng. Nhiều đội bóng đã phá sản hoặc được trả lại cho Cục thể thao của địa phương, khiến Liên đoàn phải ra các quy định nghiêm ngặt để kiểm soát chi tiêu.
Động thái này đương nhiên giảm sự hấp dẫn của China Super League và tạo nên làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc của các ngôi sao ngoại. Tuy nhiên, nó cần thiết để cứu giải đấu khỏi sự bấp bênh, đồng thời xoa dịu sự phẫn nộ của người hâm mộ với các cầu thủ triệu phú.