Điều đầu tiên cư dân mạng Trung Quốc có thể làm để trút giận là tràn vào blog chính thức của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc và yêu cầu giải tán đội bóng.
“Xin giải tán đội tuyển quốc gia. Ai đồng ý hãy like”, một người viết. Rất nhanh chóng, bình luận này đã nhận được hơn 3 ngàn like. “Không bóng đá không sao, vì vậy cũng chẳng cần đội tuyển”, người khác viết, “Họ tới Việt Nam để du lịch chứ không phải chơi bóng với niềm tự hào. Đừng cho đám người này lên máy bay. Hãy bắt chúng đi bộ về”. Số khác thậm chí còn đi xa hơn khi hô hào giải tán luôn Liên đoàn bóng đá, đồng thời đề nghị Chủ tịch Chen Xuyuan từ chức.
Tháng 3/2019, giải U19 Quốc tế 2019 tại Nha Trang, U19 Trung Quốc thua U19 Việt Nam 0-1. Tháng 9 cùng năm, U22 Trung Quốc thua U22 Việt Nam 0-2 tại Hồ Bắc. Bây giờ ở cấp độ ĐTQG, họ nhận thất bại 1-3 ở Mỹ Đình. Rõ ràng, thất bại của Trung Quốc mang tính hệ thống chứ không phải một tai nạn.
ĐT Việt Nam khiến Trung Quốc nhận trái đắng ngay ngày đầu năm mới. (Ảnh: Sohu) |
Cách đây 9 năm, sau trận thua 1-5 trước Thái Lan ở Hợp Phì, cựu tuyển thủ Trung Quốc Fan Zhiyi nói rằng “tiếp theo, chúng ta sẽ bẽ mặt trước Việt Nam”. Tối mùng Một Tết Nhâm Dần, điều mà Fan Zhiyi tuyên bố đã trở thành sự thật. Và chủ đề “Tiên tri của Fan Zhiyi” là một trong những chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo, bên cạnh các chủ đề “Trung Quốc thua Việt Nam” hay “Bi kịch đội tuyển quốc gia”.
Nhận cú sốc ngay trong ngày đầu năm mới, dư luận Trung Quốc cũng không chấp nhận lời xin lỗi của HLV Li Xiaopeng. Vốn đã nghi ngờ năng lực của chiến lược gia 46 tuổi, người có kinh nghiệm huấn luyện hạn chế, họ lại càng bối rối trước quyết định triệu tập tới 52 cầu thủ và dựng nên đội ngũ trợ lý hùng hậu lên đến 15 người của Li Xiaopeng.
Đến thất bại trước Việt Nam, tất cả có thể khẳng định ông này còn tệ hơn cả người tiền nhiệm Li Tie. Li Xiaopeng đã nhồi nhét nhiều cầu thủ nhập tịch nhất có thể vào đội hình xuất phát, tiếp tục đặt niềm tin mù quáng vào thủ môn Yan Junling và nhất quyết giữ lại Wu Lei phong độ kém thay vì sử dụng Wei Shihao. Ngoài ra chiến thuật của Li Xiaopeng cũng không có gì đặc sắc. Trung Quốc hoàn toàn thiếu ý tưởng và không thể đối phó với những gì Việt Nam tạo ra.
Vì vậy, một điều điên rồ khác đã xảy ra trong tối mùng Một. Rất đông người hâm mộ Trung Quốc đã tràn vào trang cá nhân của Li Tie trên Weibo để… xin lỗi HLV từ chức vào đầu tháng 12 năm ngoái vì không chịu nổi áp lực dư luận.
Lời xin lỗi của HLV Li Xiaopeng đã không được người hâm mộ Trung Quốc chấp nhận. (Ảnh: Ifeng) |
“Tôi đã nghĩ Li Tie tồi tệ cho đến khi biết rằng Li Xiaopeng còn tệ hơn”, một người viết. “Có lẽ Li Tie đang uống rượu ở nhà và tận hưởng thất bại này”, người khác viết. Một số khác thì cảm thấy đội tuyển Trung Quốc là một trò hề, nhưng người hâm mộ cũng chẳng khác gì khi thay đổi thái độ nhanh chóng. Phải chăng vì họ quá sốc trước “món quà” đầu năm mà Phi đội Rồng tạo ra?
Đó là lý do vài người tìm kiếm tiếng cười từ thất bại. Trên Sohu, một bài viết trào phúng được đăng ngay sau trận thua thảm họa ở Mỹ Đình. Đây là một đoạn: “ĐT Trung Quốc rất biết nghĩ cho người hâm mộ. Màn trình diễn nhàm chán và uể oải tránh cho người hâm mộ khỏi nguy cơ đau tim, trong khi phong độ tồi tệ được duy trì ổn định khiến không ai phải lo lắng về thành tích của đội tuyển. Vậy mà tối mùng Một họ vẫn gây ngạc nhiên bởi 90 phút ngoan cường trước Việt Nam hùng mạnh, sau đó khiến tất cả phải tự hào khi chỉ để thua 1-3”.
Tuy nhiên sau khi tức giận đủ nhiều, cười đùa đủ nhiều, dư luận đất nước tỷ dân nghĩ rằng đây là thời khắc để thức tỉnh bóng đá Trung Quốc. Họ đi chệch hướng quá lâu để khi nhận ra đã đứng sau cả Việt Nam và rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, bắt buộc phải có sự thay đổi. Chỉ có điều, như bình luận viên thể thao Feng Zhen viết, “đáng sợ nhất là những người có trách nhiệm không dám làm lại từ đầu”.