Việc bổ sung bông cải xanh vào chế độ ăn trước đây cũng đã chứng minh là có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt. Song các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Illinois muốn tìm hiểu xem liệu có mối quan hệ nào giữa bông cải xanh với làm giảm nguy cơ ung thư gan hay gan nhiễm mỡ hoặc gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) hay không.
Tác giả nghiên cứu chính Elizabeth Jeffery cho rằng phần lớn dân số Mỹ đều có chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và còn ăn thêm nhiều đường. Tuy nhiên, cả hai chất này đều được tích tụ ở gan và có thể được chuyển đổi thành chất béo cơ thể. Một chế độ ăn nhiều đường và chất béo sẽ làm thừa mỡ cơ thể dễ dẫn đến tiến triển NAFLD, thậm chí xơ gan và ung thư gan.
Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu tác động của bông cải xanh với chuột bị ung thư gan do chất carcinogen, do đó họ đã nghiên cứu trên 4 nhóm chuột: 2 nhóm được tuân thủ chế độ ăn uống có kiểm soát hoặc các chế độ ăn uống phương Tây và 2 nhóm kia đã được ăn hoặc không được ăn bông cải xanh.
Kết quả cho thấy nhóm chuột có chế độ ăn phương Tây đã bị tăng cả về số lượng và kích thước nốt sùi ung thư trong gan. Nhưng khi được bổ sung bông cải xanh vào chế độ ăn thì số lượng nốt sùi giảm hẳn và kích thước nốt sùi cũng được thu hẹp đáng kể.
Kết quả nghiên cứu này được đăng tải trên Tạp chí Dinh Dưỡng.