Bộ Y tế tặng 300 tủ thuốc cho ngư dân Lý Sơn

Bộ Y tế trao tặng tủ thuốc và dụng cụ y tế cấp cứu ban đầu cho 300 tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Phát biểu tại lễ phát động chương trình ngành Y tế cùng ngư dân bám biển sáng 31/5, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, công tác y tế biển đảo còn gặp rất nhiều khó khăn. 31% trung tâm y tế thuộc các huyện đảo chưa có cơ sở riêng; trên 50% trạm y tế xã đảo không có bác sĩ; 80% tổng số hộ gia đình khu vực biển, đảo cần khám, chữa bệnh.

Y tế hiện tại chủ yếu do lực lượng Quân y đảm nhiệm, các tuyến còn lại do lực lượng dân y kết hợp với quân y nhưng lực lượng mỏng.

Bộ Y tế tặng 300 tủ thuốc cho ngư dân Lý Sơn ảnh 1

Ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi bị thương do tàu Trung Quốc tấn công khi đang đánh bắt trên biển. Ảnh: VnExpress

“Ngư dân còn, biển còn. Ngư dân khỏe sẽ tiếp tục bám biển, tiếp thêm lực lượng, thêm sức mạnh bảo vệ quyền và chủ quyền về biển, đảo của Việt Nam”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Các ngư dân đang ngày đêm bám biển sản xuất phải đối mặt với sóng, gió, nhiều tai nạn tiềm ẩn, sự cố về sức khỏe khó cứu chữa kịp thời do xa đất liền. Với mục tiêu trang bị tủ sơ cấp cứu lưu động cho tất cả các tàu đánh bắt xa bờ của huyện đảo Lý Sơn, Bộ Y tế trao tặng 300 tủ thuốc trị giá 600 triệu đồng. Ngoài thuốc điều trị các bệnh thiết yếu, tủ thuốc còn trang bị thêm dụng cụ sơ cấp cứu, nẹp, bông băng gạc để ngư dân tự cấp cứu.

Đồng thời, cán bộ Viện Y học Biển Việt Nam cũng mở 3 lớp tập huấn cách sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân huyện đảo.

Bộ Y tế tặng 300 tủ thuốc cho ngư dân Lý Sơn ảnh 2

Hơn 60 ngư dân được tập huấn về cách cứu nạn nhân bị bất tỉnh, chảy máu nặng, gãy xương trên biển. Ảnh: VnExpress

Bác sĩ Lương Xuân Tuyến, Viện Y học Biển Việt Nam, tham gia tập huấn cho ngư dân đợt này cho biết, nhiều ngư dân chưa có kiến thức về sơ cấp cứu khi có tai nạn thương tích, mà chủ yếu là kinh nghiệm truyền miệng. Vì thế, cách xử trí đôi khi chưa đúng cách, chưa hợp lý khiến bệnh nhẹ thành nặng, nguy cơ để lại dị tật cao, thậm chí tử vong.

“Sai lầm ngư dân hay gặp là vận chuyển nạn nhân khi chưa cầm máu vết thương, chưa cố định xương gãy hoặc người bất tỉnh chưa sơ cứu trước. Những trường hợp này đều đòi hỏi phải xử lý đúng đắn mới cứu được. Hơn 60 ngư dân được tập huấn lần này sẽ truyền đạt lại kiến thức họ học được cho những thuyền viên khác trên tàu”, bác sĩ Tuyến chia sẻ.

Theo Nam Phương - Trí Tín

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG