Trao đổi với PV Tiền Phong, sau khi họp xong với UBND Hà Tĩnh chiều tối 15/9, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai-ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 10 là cơn bão rất lớn, gây thiệt hại nặng nề với các tỉnh Bắc Trung bộ.
Theo ông, bão số 10 có nhiều điểm đặc biệt, khi gió mạnh cấp 10-12, giật đến cấp 14. “Có lẽ cũng chưa có cơn bão nào lại dai dẳng, quằn quại trên đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh) từ 9 giờ sáng, nhưng mãi đến 4 giờ chiều vẫn có gió mạnh cấp 9. Đây cũng là cơn bão đặc biệt, khi gây mưa lớn, cấp tập trên một diện rất rộng từ Nghệ An vào tận Thừa Thiên-Huế”- ông Cường nói.
Theo Bộ trưởng Cường, công tác dự báo của cơ quan khí tượng và cơ quan truyền thông đã bám rất sát diễn biến của bão để thông tin kịp thời. Trong đó, các địa phương đã đều gọi và đưa được gần 70 nghìn tàu thuyền trú tránh hoặc về bờ an toàn. Đặc biệt, hơn 30 nghìn hộ với 115 nghìn người ở ba tỉnh trọng điểm là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã kiên quyết di dời từ nơi khỏi nơi nguy hiểm nên hạn chế thiệt hại về người.
Cùng đó, khoảng 155 nghìn ha lúa hè thu và lúa mùa đã được các tỉnh nói trên gặt được 85%, nên cũng hạn chế phần nào thiệt hại về diện tích lúa.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, sức tàn phá của cơn bão số 10 rất mạnh, đã gây thiệt hại khá nặng nề về cơ sở vật chất. Con số sơ bộ ban đầu cho thấy, khoảng 100 nghìn ngôi nhà bị tốc mái (nhiều cấp độ), 29 thôn bị ngập nước 50-70 cm, do triều cường kết hợp với sóng lớn; một số hệ thống đê biển bị sạt trượt. Rất nhiều cột điện bị đổ, bị sự cố về điện, riêng Quảng Bình mất điện trên diện rộng…và rất nhiều thiệt hại khác đang được địa phương thống kê.
Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, hoàn lưu của bão tiếp tục gây mưa lớn ở nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung bộ, vùng núi đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Hiện nhiều hồ thuỷ điện ở miền Trung và miền Bắc hầu hết đã đầy, do vậy, nếu tiếp mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra tai biến với các hồ rất lớn, nên cần đặc biệt quan tâm.
Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đề nghị, sau bão, các địa phương tập trung đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ dân sửa chữa nhà ở, kiên quyết không để người dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống. Rà soát việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu, giống cây trồng, cơ số thuốc để sẵn sàng cung cấp sớm ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất.
Cùng đó, địa phương khẩn trương động lực lượng xử lý các sự cố về đê điều; khôi phục hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc; thu dọn cây bị đổ, gẫy, san gạt đất đá sạt lở đảm bảo an toàn giao thông; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh phát sinh.