Trước tình hình các trạm thu phí BOT ngày càng căng thẳng, chiều 18/1, Bộ GTVT và đại diện nhiều bộ ngành tổ chức họp báo, trả lời các câu hỏi đang được dư luận đặt ra. Tại cuộc họp, Bộ GTVT cho hay, Thủ tướng đã họp khẩn về BOT sáng nay, có công điện chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2017, Bộ GTVT gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc thay đổi bộ trưởng, một thứ trưởng về hưu (ông Nguyễn Hồng Trường) ảnh hưởng đến công việc của Bộ. Thiên tai ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, vận tải xuất hiện loại hình mới chưa kiểm soát, quản lý hiệu quả. Ông Thể cũng cho rằng, căng thẳng tại các trạm BOT là nội dung không thể không nói đến trong hoạt động năm 2017.
Ông Thể cho hay, những bất cập của BOT hiện nay có yếu tố lịch sử và Bộ GTVT có trách nhiệm và nhận trách nhiệm về việc này. Hiện, Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách mới, khắc phục được các bất cập hiện nay.
Ông thể cho rằng, trước khi có Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về BOT, các văn bản của Đảng, Chính phủ không cấm làm dự án BOT trên đường độc đạo. Tuy nhiên, việc các trạm BOT hiện nay trải đều, hàng chục trạm BOT cùng hoạt động, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế.
Ông Thể cho hay, tình hình phản ứng BOT ở miền Bắc và miền Trung đang tạm lắng nhưng khu vực miền Nam hiện rất căng thẳng, không chỉ tại Cai Lậy, trên QL 1A mà các quốc lộ khác cũng “nóng”.
Về nguyên nhân, ông Thể cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có việc một số tổ chức cá nhân đi phản ứng từ trạm thu phí này đến trạm khác.
Ông Thể cũng cho hay, sáng 18/1, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp về BOT với nhiều ngành. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch các tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo để bảo vệ trạm thu phí để có thể tiếp tục thu hút đầu tư BOT, nhất là cao tốc Bắc -Nam. Ngoài ra, các biểu hiện vi phạm về BOT đang được các cơ quan như Thanh tra, Kiểm toán, các ban Đảng đang kiêm tra, phát hiện sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Các hành vi manh động, phá barie, dừng hẳn tại trạm..., ông Thể cho hay, Thủ tướng đã đề nghị Bộ Công an kết hợp với bộ GTVT xử lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh vào cuộc.
Nói thêm về trách nhiệm địa phương về dự án, ông Thể nói: Hợp đồng không ghi rõ, địa phương vẫn phải có trách nhiệm. Thủ tướng đã có chỉ đạo cả hệ thống chính quyền phải vào cuộc. Đa số các dự án, do địa phương đề xuất, và có ý kiến trong dự án.
Về BOT Cai Lậy, Bộ trường GTVT cho hay, hiện Bộ GTVT nghiên cứu nhiều phương án, tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thể đưa ra vì phải chờ ý kiến xem xét của Thủ tướng.
Trả lời câu hỏi “Bộ trưởng nói như thế về trách nhiệm cá nhân tại BOT Cai Lậy?”, ông Thể nói: Tôi khẳng định không tư túi. Hiện nay Thanh tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra các dự án trên QL 1A, trong đó có trạm BOT Cai Lậy. “Lúc đó, các cơ quan thanh kiểm tra sẽ kết luận, còn tôi bây giờ chưa thể nói được”, ông Thể nói.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng CSGT cho rằng, các công trình BOT góp phần giảm tai nạn giao thông. 43 trên 63 địa phương có trạm BOT, 24 trạm liên quan đến an ninh trật tự. Ông Hà cho rằng, hành vi cản trở GTVT có quy định xử lý vi phạm giao thông, tái phạm, vi phạm nặng sẽ xử lý hình sự. Bộ Công an chỉ đạo sẽ xử lý các đối tượng gây rối, cản trở giao thông tại các trạm thu phí.