TPHCM không tháo dỡ trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội

TPHCM không tháo dỡ trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội
TPO - Dù trạm BOT thu phí giao thông đặt trên Xa lộ Hà Nội đã tạm ngưng thu phí từ 0 giờ ngày 1/1 nhưng đại diện chủ đầu tư khẳng định sẽ không tháo dỡ trạm như một số thông tin lan truyền trên mạng.

Tại buổi cà phê sáng 16/1 giữa đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM với báo chí, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) cho biết trạm thu phí Xa lộ Hà Nội vẫn phải tồn tại, không tháo dỡ để mở rộng mặt đường.

Theo đó, trạm thu phí trên thu phí hoàn vốn cho 3 dự án kế tiếp. Dự án đầu đã kết thúc từ năm 2013. Dự án thứ hai (dự án xây cầu Rạch Chiếc mới) thu phí từ 1/1/2014 đến 31/12/2017 đã hoàn vốn và đang trong thời gian kiểm toán.

TPHCM không tháo dỡ trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội ảnh 1 “Trạm thu phí sẽ thu phí hoàn vốn cho dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội nên trạm sẽ vẫn tồn tại chứ không thể dẹp bỏ đi”, bà Trâm cho hay.

Riêng dự án thứ ba là mở rộng Xa lộ Hà Nội chưa thu phí hoàn vốn. Dự án này đã đầu tư từ năm 2009 và hiện nay vẫn tiếp tục được duy tu bảo dưỡng.

“Trạm thu phí sẽ thu phí hoàn vốn cho dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội nên trạm sẽ vẫn tồn tại chứ không thể dẹp bỏ đi”, bà Trâm cho hay.

Lãnh đạo CII cho biết UBND TPHCM yêu cầu dù ngừng thu phí nhưng nhân viên của trạm vẫn phải có mặt đầy đủ để điều hoà giao thông, đảm bảo vệ sinh vì khu vực này phương tiện rất đông. Khả năng thông xe khi có trạm và không có trạm là như nhau vì diện tích mặt đường không đổi.

Theo bà Trâm, dự án xa lộ Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục để thu phí hoàn vốn. Thời gian thu phí phải đảm bảo đủ thủ tục và được sự đồng ý của UBND TPHCM.

Dự án này có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 mở rộng đoạn qua địa bàn TPHCM (từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TPHCM) đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 từ nút giao Đại học Quốc gia TPHCM đến cầu Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Nguồn vốn đền bù giải toả trên địa bàn tỉnh Bình Dương trước kia không nằm trong dự án và hiện nay đang bổ sung và điều chỉnh đầu tư.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho hay trên địa bàn TPHCM có 7 trạm thu phí BOT giao thông, gồm: cao tốc TPHCM –Long Thành –Dầu Giây, TPHCM – Trung Lương… do Bộ GTVT quản lý và thu phí. TPHCM đang quản lý trạm BOT xa lộ Hà Nội; QL 1A (đoạn An Sương An Lạc dài 14 km); cầu Phú Mỹ; đường 990 từ Nguyễn Cư Trinh vào cảng xi măng Hà Tiên (đã làm xong nhưng chưa thu phí); trạm BOT đường Nguyễn Văn Linh.

Ông Cường nói quan điểm của TPHCM là các dự án BOT trên địa bàn phải đúng pháp luật, công khai minh bạch và mấu chốt là phải được đặt đúng vị trí, đúng đối tượng thu, mức phí phải phù hợp quy định của pháp để đảm bải tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh vận tải thành phố.

Tư lệnh ngành giao thông TPHCM cho biết từ nay đến năm 2020 sẽ chưa tăng giá qua các trạm BOT thuộc TPHCM quản lý. Hiện nay, giá thu qua các trạm BOT thuộc TP quản lý là thấp hơn so với mặt bằng chung (qua trạm An Sương - An lạc là 15.000 đồng lượt/xe; trạm cầu Đồng Nai hoặc quốc lộ 1K là 20.000 đồng; quốc lộ 13 là 25.000 đồng...

"Sở GTVT và UBND TPHCM khuyến khích, nêu gương các nhà đầu tư trạm BOT giảm giá thu với các loại xe của người dân, doanh nghiệp nằm trên đường, gần kề trạm thu hoặc miễn thu với xe quay đầu trong ngày như cách IDICO - IDI đã làm trên tuyến An Sương - An Lạc" - ông Cường cho hay.

Ông Bùi Xuân Cường yêu cầu CII và Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT cần sớm lắp đặt hệ thống biển báo, đèn cảnh báo, hướng dẫn từ xa cho xe qua khu vực trạm thu phí đã tạm ngưng để giảm ùn tắc tại khu vực trạm thu phí.

MỚI - NÓNG