Bộ trưởng Công Thương: Sẽ số hóa quản lý xăng dầu, tăng cường kỷ luật thị trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiếp tục nâng cao vai trò các thương vụ, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật thị trường và số hoá việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu… là những đầu việc lớn mà ngành Công Thương sẽ thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kinh tế duy trì đà tăng trưởng trong năm 2023.

Sự hồi phục mạnh mẽ nhưng chưa trọn vẹn

- Năm 2022 được coi là năm có nhiều biến động với ngành Công Thương nhưng cũng là năm ngành ghi nhận nhiều điểm sáng. Ông có thể điểm lại những dấu ấn đã đạt được của ngành trong năm qua?

Năm 2022 thật sự là năm có nhiều khó khăn, thách thức do tác động đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng toàn cầu, tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh và gây ra các khan hiếm, gián đoạn cục bộ trong một số thời điểm.

Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, ngành Công Thương vẫn duy trì được sự tăng trưởng khá cao và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế đáng phải nhắc đến là xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục lập kỷ lục mới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Việt Nam đã duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD, cao gấp hơn 3,3 lần năm trước, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Tình hình sản xuất và cung ứng điện năng cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của ngành.

Thương mại trong nước phục hồi tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng.

Bộ trưởng Công Thương: Sẽ số hóa quản lý xăng dầu, tăng cường kỷ luật thị trường ảnh 1
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Sẽ tăng cường kỷ luật, số hoá hoạt động kinh doanh xăng dầu trong năm 2023

Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, trở thành phương thức phân phối quan trọng, đưa Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của nguồn cung và giá cả thế giới, Bộ Công Thương đã kịp thời cân đối tổng nguồn cung xăng dầu và 2 lần phân giao nhập khẩu bổ sung cho các doanh nghiệp đầu mối để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước; chủ động, kiên trì kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện rà soát, điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu; kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối về nguồn vốn tín dụng, ngoại tệ, thủ tục hải quan, lưu thông, vận chuyển xăng dầu.

Bộ cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm túc hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm khác; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều hành phù hợp. Nhờ vậy, việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước cơ bản được bảo đảm. Chỉ có một vài thời điểm xảy ra thiếu cục bộ xăng dầu ở một số địa phương nhưng đã được khắc phục kịp thời.

- Bên cạnh những thành tựu, ông có thể nói rõ hơn về những thách thức, khó khăn mà ngành Công Thương đã đối mặt trong năm 2022?

Đúng vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành Công Thương vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong năm vừa qua, như: Với ngành công nghiệp, đó là xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…

Với xuất khẩu, thị trường bị thu hẹp, việc nối lại thị trường nước ngoài và các chuỗi cung ứng vẫn chưa trở lại bình thường đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

Với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tuy đã được phục hồi đáng kể nhưng mới đạt khoảng 82% so với năm 2020, thời điểm trước dịch Covid bùng phát.

Bộ trưởng Công Thương: Sẽ số hóa quản lý xăng dầu, tăng cường kỷ luật thị trường ảnh 2

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy vai trò các thương vụ trong đưa hàng Việt xuất khẩu ra các nước trong năm 2023

Phát huy vai trò các thương vụ trong đưa hàng Việt xuất khẩu ra các nước

- Năm 2023, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để chuẩn bị đối phó trong năm tới?

Để khắc phục những khó khăn, thách thức và tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023, ngành Công Thương sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Về sản xuất công nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đồng thời.

Bộ cũng sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ thông tin, kết nối thị trường, xử lý các rào cản, vướng mắc trong tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết. Đẩy nhanh số hóa trong giải quyết các thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) và các thủ tục khác có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu. Cùng đó, các cơ quan sẽ tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp và tăng cường duy trì kỷ luật thị trường.

Về phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistic tập trung khai thác tốt thị trường nội địa, vẫn còn dư địa gia tăng, trong bối cảnh thị trường nước ngoài đang có xu hướng bị thu hẹp. Thực hiện một cách quyết liệt, nhịp nhàng công tác đảm bảo cung - cầu hàng hóa trong nước, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Sẽ tăng cường kỷ luật, số hoá quản lý xăng dầu

- Năm 2022 là năm có nhiều biến động với thị trường xăng dầu, năm 2023, việc quản lý mặt hàng này sẽ được triển khai ra sao thưa ông?

Với mặt hàng xăng dầu, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh để khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

Một nhiệm vụ nữa được Bộ Công Thương thực hiện là theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt sẽ khẩn trương rà soát, tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 và Nghị định số 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Để không bị động, Bộ cũng sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.