Bộ Công Thương: Đã đảm bảo được nguồn cung xăng dầu, không còn thiếu cục bộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đây là thông tin được Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương chiều 26/12.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Bộ đã chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cung ứng cho thị trường; tăng công suất sản xuất tối đa có thể để cung ứng cho thị trường (đối với các thương nhân sản xuất).

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu xăng dầu

“Bộ đã dự tính nhu cầu thị trường và thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu quý IV cho từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường. Đến nay, sau khi thực hiện các giải pháp nêu trên, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ”, Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương: Đã đảm bảo được nguồn cung xăng dầu, không còn thiếu cục bộ ảnh 1

Theo Bộ Công Thương, đến nay không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 11, nhập khẩu xăng dầu thành phẩm tăng mạnh so với nửa cuối tháng 10 trước đó, đặc biệt là mặt hàng xăng. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hệ thống phân phối, bán lẻ trên cả nước trong thời gian tới.

Cụ thể, trong nửa đầu tháng 11, cả nước nhập khẩu 380.877 tấn xăng dầu các loại (gồm xăng, mazut, diesel, nhiên liệu bay), với kim ngạch đạt hơn 360 triệu USD. So với nửa cuối tháng 10/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu tăng gần 22%, tương đương tăng 68.202 tấn.

Đáng chú ý, riêng mặt hàng xăng có lượng nhập khẩu đạt 177.970 tấn (gấp 3 lần so với nửa cuối tháng 10); kim ngạch hơn 157 triệu USD (gấn 3,3 lần).

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/11, cả nước đã nhập khẩu hơn 7,5 triệu tấn xăng dầu các loại (tăng 24% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng gần 1,5 triệu tấn), với kim ngạch 7,8 tỷ USD (tăng gần 122%). Riêng mặt hàng xăng đạt gần 1,6 triệu tấn (tăng 128%), với giá trị 1,7 tỷ USD.

Trước đó, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu trong năm 2023. Theo đó, kịch bản 1, mức phân giao tăng trưởng 10% so với năm 2022 tương đương 25,9 triệu m3, tấn; kịch bản 2 mức phân giao tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3, tấn.

Liên quan đến việc cung ứng xăng dầu, kết luận thanh tra mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, kiểm tra kết luận thanh tra về xăng dầu 11 thương nhân đầu mối phía Nam đã chỉ rõ loạt vấn đề "nóng" trong việc chấp hành pháp luật.

Như là, việc nhập nhèm hệ thống phân phối khi một đại lý bán lẻ được kê khai trong nhiều hệ thống của các thương nhân khác nhau; hay sai phạm liên quan đến “giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu”; sai phạm về dự trữ; sai phạm về nhập khẩu...

MỚI - NÓNG