Bỏ trần, lãi suất sẽ cao hơn mức lạm phát?

Bỏ trần, lãi suất sẽ cao hơn mức lạm phát?
Một kịch bản đang được tính đến là Ngân hàng (NH) Nhà nước phải bỏ trần lãi suất (LS) huy động VND (hiện là 12%/năm). Khi đó người gửi tiền có thể nhận được mức LS cao hơn chỉ số giá tiêu dùng?

Dưới đây là nhận định của một số chuyên gia:

Ông Bùi Khắc Sơn (tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm tiền gửi VN):

LS chưa thể cao hơn chỉ số giá

Cần phải có chính sách hợp lý để người gửi tiền không bị thiệt, người vay được hưởng LS hợp lý và tổ chức tín dụng có thu nhập, góp phần giải quyết tình trạng "thiếu máu" của nền kinh tế hiện nay.

Tỉ lệ lạm phát hiện quá cao, một trong những biện pháp là phải hút tiền vào NH thông qua việc nâng LS huy động.

Tuy nhiên, muốn LS dương cần phải có lộ trình. NH Nhà nước đang cố gắng trong vòng 1-2 tháng nữa từng bước nâng LS huy động bằng với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, sau đó cộng thêm một tỉ lệ chênh lệch thấp để người gửi tiền có lãi.

Ông Lê Thẩm Dương (Đại học Ngân hàng TP.HCM):

Phải chuẩn bị kịch bản khi bỏ trần

Trước khi bỏ trần LS, NH Nhà nước cần phải chuẩn bị các giải pháp để thị trường không bị "choáng". NH Nhà nước cũng phải sửa đổi qui định về LS cơ bản để các NH không bị lúng túng khi áp dụng.

Ngày 14/5, NH cổ phần Sài Gòn (SCB) đã đưa ra sản phẩm "Đầu tư qua đêm hưởng LS cao" dành cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn bằng VND.

Theo đó, nếu số dư cuối mỗi ngày của khách hàng vượt "ngưỡng được đầu tư”: cá nhân tối thiểu 50 triệu đồng và doanh nghiệp tối thiểu 100 triệu đồng thì số tiền vượt sẽ được hưởng "LS qua đêm" bằng LS không kỳ hạn (9%/năm) + 2%/năm biên độ...

Trước đó, NH Xuất nhập khẩu VN cũng đã áp dụng chương trình tiết kiệm qua đêm với LS 10%/năm, LS được trả hằng ngày, nhập vào vốn gốc và tái tục cho 24 giờ tiếp theo...

Hiện LS cơ bản là 8,75%, về nguyên tắc LS không được vượt quá 150% LS cơ bản, tức cao nhất cũng chỉ đến 13,125%. Mức LS này không thể thực dương cho người gửi tiền.

Một khi trần LS được dỡ bỏ, tiền sẽ bị dịch chuyển từ NH này sang NH khác. Các NH nhỏ sẽ tăng LS kèm theo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người gửi tiền.

Tuy nhiên, LS huy động không thể tăng mãi, vì LS đầu vào tăng sẽ kéo LS đầu ra tăng theo, nếu quá cao, doanh nghiệp không dám vay để sản xuất.

Chắc chắn NH sẽ không dám huy động bằng mọi giá nếu tiền huy động được không có người vay.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân (ĐH Kinh tế TP.HCM):

LS dương theo lạm phát cơ bản

Các nước điều hành LS dựa trên một chỉ số đó là lạm phát cơ bản (LPCB). Không như chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số LPCB được tính toán sau khi đã loại bỏ những yếu tố bất thường của giá cả, cung - cầu, chỉ giữ lại những yếu tố lạm phát do nguyên nhân tiền tệ.

Như giá thịt gà, thịt heo tăng bất thường do dịch bệnh; giá dầu và lương thực tăng mạnh do yếu tố cung cầu... đều không được tính vào LPCB. Vì vậy LPCB luôn thấp hơn, ước 60-70% chỉ số giá tiêu dùng.

Giả sử chỉ số giá tiêu dùng là 20% thì LPCB khoảng 12-14%, và như vậy để có mức LS tiền gửi dương thì LS huy động ở mức trên mức này.

Thông thường các nước đều công bố nhiều chỉ số, trong đó CPI được dùng để cân đối hàng hóa trên thị trường và trả lương cho người lao động, còn LPCB để NH trung ương điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, đã đến lúc cần tính toán và công bố chỉ số LPCB.

Tuy nhiên, việc điều hành LS theo LPCB cũng tùy thuộc mục tiêu của chính sách tiền tệ mà NH trung ương theo đuổi và do vậy vẫn có trường hợp LS thấp hơn LPCB.

Ông Trương Văn Phước (tổng giám đốc NH Xuất nhập khẩu VN):

LS cho vay cứ theo Luật dân sự

Nhiều người lo ngại khi bỏ trần LS huy động thì LS cho vay sẽ phóng lên, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, có thể hóa giải vấn đề này bằng những qui định hiện hành của Luật dân sự.

Luật dân sự qui định LS cho vay không được vượt quá 150% LS cơ bản do NH Nhà nước ban hành. LS cơ bản hiện nay quá thấp, NH Nhà nước phải điều chỉnh mức LS này.

Giả sử nó được tăng lên 12%, như vậy LS cho vay không vượt quá 18%/năm. Với mức LS này thì NH chỉ dám ấn định LS huy động khoảng 15%/năm trở lại.

Như vậy, bỏ trần LS mà vẫn kiềm được LS cho vay, LS huy động ở mức vừa phải, không quá thiệt cho người gửi cũng chẳng quá khó cho người vay.

Lãi suất thực dương?

Chính phủ đã đặt ra nguyên tắc điều hành LS, đó là bỏ trần LS huy động và từng bước thực hiện nguyên tắc LS thực dương. LS thực dương là LS tiền gửi phải cao hơn mức lạm phát. Hiện nay, người ta vẫn tính toán LS dương trên cơ sở so sánh với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Năm 2007, CPI là 12,6% nhưng LS huy động của các NH thấp hơn mức này, chỉ 9,6-10,8%/năm. Trong bốn tháng đầu năm 2008, CPI tăng 11,6% so với cuối năm 2007 nhưng LS của các NH cũng chỉ chạy theo CPI: hai tháng đầu năm 2008 là cao nhất cũng chỉ dưới 10,8%/năm, tháng 3/2008 dao động khoảng 12%/năm và tháng 4/2008 còn 11%/năm.

Sau nhiều năm tự do hóa LS, tháng 2/2008, NH Nhà nước đã ấn định NH chỉ được huy động VND không quá 12%/năm, từ đó đã gây nhiều tranh cãi xung quanh việc can thiệp hành chính vào thị trường.

Theo T.Tu-N.Khâm-A.Hồng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG