Theo Bộ Tài chính, giá trị tài sản hạch toán trên sổ sách kế toán gồm nguyên giá tài sản (giá mua mới) và giá trị còn lại của tài sản. Trong đó, giá trị còn lại là giá trị đã được trừ hao mòn lũy kế của thời gian thực tế đã sử dụng để hạch toán trên sổ sách kế toán theo quy định. Giá trị còn lại của tài sản sẽ giảm dần và bằng không (0) khi tài sản đã hết thời hạn sử dụng.
Theo Thông tư 162/2014, xe ô tô công có thời hạn sử dụng là 15 năm, mức hao mòn 1 năm là 6,7%.
Còn theo quy định tại Điều 25, 26, Nghị định 52/2009, xe ô tô đủ điều kiện thanh lý khi đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định của chế độ mà không thể tiếp tục sử dụng. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh thành quyết định, hoặc phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý. Việc tổ chức thanh lý xe ô tô do các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản thực hiện và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Việc bán thanh lý xe ô tô được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai. Giá bán thanh lý xe ô tô là giá thị trường tại thời điểm bán. Số tiền thu được từ bán thanh lý xe ô tô của các cơ quan nhà nước được nộp vào ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước: “Tài sản nhà nước phải được hạch toán đầy đủ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật. Việc xác định giá trị tài sản trong quan hệ mua, bán, thuê, cho thuê, liên doanh, liên kết, thanh lý tài sản hoặc trong các giao dịch khác được thực hiện theo cơ chế thị trường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.