Câu chuyện thanh lý 264 ôtô công với giá trị còn lại 390 triệu đồng, trong khi giá mua mới các xe này là 79,68 tỷ đồng, đang gây xôn xao dư luận.
‘Còn rất nhiều xe công giá trị còn lại chỉ 0 đồng’
Sáng 30/6, trao đổi với PV, Cục phó Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) La Văn Thịnh, cho hay con số 390 triệu là giá trị còn lại của các xe, còn tổng số tiền thu về được sau khi thanh lý, bán đấu giá lại khác. Tuy nhiên, hiện ông chưa nắm được con số chính xác, vì rải rác ở các đơn vị.
“Con số nêu vừa qua là giá trị còn lại của 264 xe trên sổ kế toán của Cục quản lý công sản. Số xe công được thanh lý từ ngày 1/1-17/6 vừa qua nằm rải rác ở các bộ, ngành. Chúng tôi không lấy thông tin số tiền thu về được sau khi thanh lý. Đến bán sắt vụn cũng không có chuyện hơn 1 triệu đồng một ôtô”, ông Thịnh chia sẻ.
Theo ông Thịnh, khi xe đã cũ, không thể sử dụng được thì địa phương, bộ, ngành đề xuất bán. Nếu đủ điều kiện, Bộ Tài chính cho thanh lý.
Cục phó Cục quản lý công sản khẳng định, trong cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính hiện còn rất nhiều xe giá trị còn lại chỉ 0 đồng. Đó là những xe đã phục vụ được khoảng 17 năm.
“Giá trị còn lại chỉ 0 đồng, nhưng mình nghèo quá nên người ta vẫn phải dùng”, ông Thịnh nhấn mạnh.
"Mình nghèo quá nên quy định mỗi năm xe chỉ hao mòn 7-8%"
Vị này thông tin thêm, Bộ Tài chính quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe. Để được thanh lý xe phải chiếu theo các quy định của pháp luật về thời gian khấu hao. Có xe sau 15 năm sử dụng, hoặc có điều kiện như gặp tai nạn không thể sửa chữa mới được thanh lý.
Sau khi có quyết định cho phép thanh lý, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó để bán xe của họ.
Khi thanh lý xong người ta phải cập nhật số tiền thu về vào cơ sở dữ liệu để xóa sổ xe đó khỏi dữ liệu, và Bộ Tài chính nắm được thông tin cụ thể xe nào, biển số bao nhiêu, nguyên giá, giá trị còn lại, giá đã thanh lý của chiếc xe đó.
“Luật quy định rõ mỗi năm mỗi loại xe hao mòn đi bao nhiêu %. Trước Thông tư 162, mỗi xe được tính hao mòn 10% giá trị/năm. Sau thông tư đó, từ năm 2014, do đất nước mình nghèo quá nên quy định mỗi năm hao mòn chỉ 7 – 8%. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi xe công phải sử dụng đủ 15 năm mới được thanh lý”, ông Thịnh cho biết.
Vị này nói thêm, Chính phủ đã có Nghị định 17 quy định về việc bán đấu giá để người ta tổ chức thực hiện theo nguyên tắc công khai.
“Trước hết lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phải xác định lại giá trị chiếc xe theo giá thị trường, sau đó công khai giá khởi điểm để đấu giá. Ai trả cao nhất sẽ được mua. Số tiền đó sẽ được nộp về ngân sách nhà nước”, ông Thịnh cho hay.
Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng thông tin, chiều nay (30/6), Bộ Tài chính sẽ có thông tin chính thức về việc này.