Tin này đến như một tiếng thở phào đã nén từ hôm công bố đấu thầu quốc tế dự án, nhà thầu Trung Quốc tiếp cận ngay. Nghe nói, tập hồ sơ đăng ký nhiều nhất đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Với người tiêu dùng Việt, có giai đoạn hàng hoá giá rẻ, chất lượng thấp tuồn qua tiểu ngạch biên giới Trung Quốc phần nào đáp ứng lúc khó khăn. Nó cũng giống thứ hàng mã chỉ làm ta vui chốc lát.
Thời buổi công nghệ số, chình ình một dự án “rùa” thập kỷ như đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông quá đủ ngán ngẩm cho một thứ sản phẩm mang tiếng đến từ Trung Quốc. Cho dù, hàng hoá, công nghệ Trung Quốc không phải lúc nào chất lượng cũng kém, nhưng kinh nghiệm họ thể hiện ở Việt Nam thế là quá đủ. Niềm tin của người tiêu dùng đã chật chỗ chứa.
Sở dĩ Bộ GTVT có ý định mời thầu quốc tế cho cao tốc Bắc - Nam do muốn tiếp cận nguồn vốn và công nghệ nước ngoài. Các nhà đầu tư trong nước với công nghệ, kỹ thuật thừa sức làm, nhưng dòng vốn là cả vấn đề. Nhất là sau “cành cong” BOT khiến người đi vay và người vay đều sợ. Đầu tư, ngân hàng nào giám cho vay vốn; ai đảm bảo các giải pháp tài chính hiệu quả để được vay 80%; làm xong công trình sẽ thu tiền ra sao…? Những bài toán không dễ ở thời điểm hậu BOT. Chắc chắn, Chính phủ và nhiều bộ ngành liên quan sẽ phải giải bài toán này để có đường bộ cao tốc Bắc-Nam mà đi như hoạch định.
Bằng sự tuyên bố trên, coi như Việt Nam sẽ phải phát huy nội lực. Nhật Bản cũng đâu có “rừng vàng, biển bạc”, chỉ có động đất-núi lửa và sự tự cường. Năm 1968, Hàn Quốc thu nhập bình quân đầu người 200 USD/năm, dân số 40 triệu người, đã làm đường cao tốc với 29 tháng thi công để thông toàn tuyến. Việt Nam hiện dân số 97 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 2.587 USD/năm, chưa kể nguồn lực như dự báo trong dân có khoảng 500 tấn vàng và trên 10 tỷ USD dự trữ. Nếu không làm được tuyến cao tốc Bắc - Nam, nhìn con số của Hàn Quốc, dân Việt đủ tự trọng để xấu hổ.
Tăng cường nội lực, các doanh nghiệp trong nước buộc phải lớn lên, vươn tầm khu vực và thế giới. Muốn thế, môi trường kinh doanh, chính sách đầu tư cần thông thoáng. Làm kinh tế cũng như đánh giặc. Nếu doanh nghiệp nội không đủ mạnh sẽ bị “xâm lăng” ngay tại sân nhà. Máy móc lạc hậu, ô nhiễm môi trường và giá rẻ sẽ đổ bộ, tương lai sẽ gánh hậu quả khôn lường. Sự “xâm lăng” này ngọt ngào như lời mời chào bán thiết bị giá rẻ, như Mị Châu ngồi sau lưng ngựa vua cha.
Lý do Bộ GTVT đưa ra khi hủy chào thầu quốc tế rất ý nghĩa: Bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng. Chính phủ nên chăng cần tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng” kinh tế để phát huy nội lực và tính tự cường dân tộc.
Làm đường cao tốc không chỉ tạo huyết mạch lưu thông quốc gia, mà còn xây dựng con đường niềm tin, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt.