Đây là quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và có hiệu lực từ 15/11/2020. Theo Nghị định 117, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng nếu uống rượu, bia tại địa điểm cấm; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.
Hành vi ép người khác uống rượu bia hoặc uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ có thể bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng.
Điều 34 của Nghị định 117 quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng nếu không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong đơn vị; không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm thuộc quyền…
Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải có thể bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng nếu không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiến phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
Điều 36 của Nghị định quy định xử phạt “Vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia” có nội dung: “Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia”.
Ngoài ra, người người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nếu uống rượu bia có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng.
Các hành vi bán, cung cấp rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng. Nghị định 117 cũng quy định, sẽ phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng nếu mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.