Mới đây, cử tri tỉnh Bình Định đã có kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các nhà đầu tư có phương án giảm giá vé qua trạm thu phí BOT, để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho hay, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó các nhà đầu tư dự án BOT giao thông. Do lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí giảm, dẫn đến doanh thu giảm, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ GTVT đang phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt...
Với phí BOT đường bộ, theo Bộ GTVT, mức phí đang áp dụng tại các trạm thu phí được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án, đủ để các doanh nghiệp BOT hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư. Thời gian qua, các doanh nghiệp BOT đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Hiện, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ. Các doanh nghiệp BOT đang gặp rất nhiều khó khăn, nay thêm dịch COVID-19, lượng xe giảm dẫn đến càng khó khăn hơn. Bộ GTVT đề nghị Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định tuyên truyền, phổ biến đến các cử tri và các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp BOT”, Bộ GTVT kiến nghị.
Trước kiến nghị của cử tri Bình Định, trong năm 2020, cũng có nhiều kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp gửi tới Bộ GTVT đề nghị giảm phí BOT, và Bộ GTVT đều khẳng định chưa thể giảm phí vào lúc này.
Thậm chí, giữa năm 2020, Bộ GTVT từng có văn bản kiến nghị Chính phủ cho các dự án BOT giao thông đường bộ được tăng phí, hoặc có lộ trình tăng phí, do doanh thu của các dự án quá thấp.
Cơ quan này cho hay, qua thống kê 4 tháng đầu năm 2020, có 58/60 dự án BOT đang thu phí có doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến của phương án tài chính ban đầu để ký hợp đồng. Trong đó, có 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo do các hoạt động vận tải đường bộ phải dừng và giảm hoạt động.