Theo Bộ GTVT, do dịch COVID-19, các doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến thất thu. Khi có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa bằng 50% so với dự báo.
Ngoài ra, việc các dự án BOT giao thông chưa được tăng phí theo hợp đồng đã ký với cơ quan nhà nước những năm qua, thậm chí phải giảm phí, khiến doanh thu cũng không đạt kế hoạch.
Các doanh nghiệp BOT gặp nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư BOT đang gặp khó khăn, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận: Cho các dự án tăng phí BOT theo hợp đồng; Chưa tăng phí giai đoạn hiện nay nhưng Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án. Trong đó, Bộ GTVT ưu tiên lưạ chọn phương án tăng phí, kết hợp với các hỗ trợ từ ngân hàng, như không chuyển nhóm nợ, gia hạn nợ, giảm lãi...
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản từ chối giảm phí BOT theo kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ này cho rằng, doanh nghiệp BOT cũng đang khó khăn, nên cần được các doanh nghiệp vận tải chia sẻ.
Trước đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, thời điểm này tăng phí BOT là chưa hợp lý. Doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư BOT, nhưng chính doanh nghiệp vận tải và người dân cũng rất khó khăn do dịch bệnh và cũng cần được hỗ trợ, chia sẻ.
Theo ông Quyền, Nhà nước có thể hỗ trợ nhà đầu tư BOT bằng cách kéo dài thời gian thu phí. Trường hợp phải tăng phí, cần chọn thời điểm khác khi hoạt động kinh tế đã phục hồi. Cùng đó, chỉ tăng những dự án mức phí thấp, dự án có đường khác để người dân lựa chọn. Đặc biệt, không nên tăng phí với các dự án đường độc đạo, đã có mức phí cao...
Lãnh đạo một số doanh nghiệp vận tải xe khách liên tỉnh như Đất Cảng, Sao Việt cho rằng, chưa nên tăng phí BOT lúc này. Khi hiện doanh nghiệp vận tải cũng rất khó khăn do khách và vận tải hàng hóa đều sụt giảm trong khi chi phí BOT, phí bảo trì đường bộ đang chiếm từ 30-40% giá thành vận tải. Nếu bắt buộc phải tăng phí BOT để cứu nhà đầu tư cần lựa chọn thời điểm khi hoạt động lưu thông hàng hóa và đi lại bình thường, kinh tế - xã hội phục hồi, trên tinh thần cùng chia sẻ.