Thiếu chút nữa trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải dừng thu phí từ ngày 10/6, do chậm triển khai hệ thống lưu trữ dữ liệu theo quy định.
Sự việc trên tiếp tục cho thấy công tác giám sát thu phí BOT đường bộ còn không ít tồn tại, không ít chủ đầu tư lấy đủ lý do để trì hoãn các công việc phục vụ giám sát. Ngay với hoạt động giám sát công tác thu phí (10 ngày liên tục với mỗi trạm thu phí), được Tổng cục Đường bộ thực hiện từ năm 2017, nhưng với BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng chỉ thực hiện được 1 lần vào cuối năm 2018.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, hoạt động này tới hết năm 2018 (sau 2 năm) mới thực hiện được với 51/63 trạm thu phí của 47/59 dự án BOT đã khai thác. Năm 2019 sẽ giám sát với các trạm còn lại.
Cũng vì cách thức giám sát chủ yếu là thủ công, dựa vào báo cáo doanh thu hàng tháng, quý, năm của nhà đầu tư, dẫn tới một số dự án thực tế thu vượt số tiền đầu tư và lợi nhuận theo hợp đồng.
Điển hình nhất phải kể tới dự án BOT hầm Đèo Ngang, khi thu phí vượt thời gian hoàn vốn gần 2 năm nhưng cơ quan quản lý nước không kịp thời xử lý dừng thu phí (hoặc không biết để xử lý). Thời điểm dừng thu phí vào tháng 12/2016, nhà đầu tư đã thu vượt vốn đầu tư và lợi nhuận theo hợp đồng khoảng 88 tỷ đồng. Sau đó, Tổng cục Đường bộ nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư (Tổng Công ty Sông Đà) nộp số tiền thu vượt vào ngân sách nhà nước, nhưng tới tháng 3/2018, nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện. Tới nay Cơ quản Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang thu thập thông tin về dự án này.
Tương tự là trạm thu phí BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh, cũng do Tổng Công ty Sông Đà đầu tư BOT Tào Xuyên (sau đó chuyển ra Dốc Xây, Thanh Hóa).