Bộ GTVT kiến nghị cho tăng phí BOT, GS.TS Đặng Đình Đào nói gì?

Các giải pháp “cứu” doanh nghiệp BOT phải hợp lý Ảnh: Như Ý
Các giải pháp “cứu” doanh nghiệp BOT phải hợp lý Ảnh: Như Ý
TP - GS.TS Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng: Dịch COVID-19 khiến tất cả người dân và doanh nghiệp đều khó khăn. Bộ GTVT kiến nghị cho tăng phí BOT do nhà đầu tư khó khăn, thua lỗ có phần vì dịch bệnh vào lúc này là rất không ổn.

TS Đặng Đình Đào nêu quan điểm, BOT cũng là hình thức đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, có lời có lỗ. Là doanh nghiệp thì phải chấp nhận điều đó. “Thời điểm này cả xã hội cùng khó khăn chung, Bộ GTVT lại đề xuất tăng phí BOT để hỗ trợ nhà đầu tư là rất không ổn. Hiện tại, phí BOT chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành vận tải, chỉ sau mỗi chi phí nhiên liệu, tăng phí sẽ giúp nhà đầu tư BOT có lợi, nhưng thiệt hại cho cả nền kinh tế và người dân, khi chi phí đi lại, giá hàng hóa, dịch vụ phải tăng theo chi phí vận tải.

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực với nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Có thể thời điểm này giá xăng dầu đang thấp, phần tăng phí BOT chưa ảnh hưởng nhiều tới giá thành vận tải, nhưng giá nhiên liệu cũng phải tăng, khi đó ảnh hưởng đến các lĩnh vực sẽ rất lớn”, ông Đào nói.

Cũng theo ông Đào, việc thu phí BOT chưa minh bạch, người dân còn nhiều băn khoăn, nghi ngờ về sự lỗ - lãi của nhà đầu tư. Do đó, điều cần thiết hiện nay là Bộ GTVT phải đẩy nhanh thu phí tự động, minh bạch hoạt động thu phí để người dân tin tưởng vào các con số báo cáo, sau đó hãy nghĩ tới việc tăng phí. Muốn chung tay giải quyết thì phải có bức tranh cụ thể để đánh giá, lấy lý do vì dịch thì ai nói cũng có lý, nhưng không thể tát nước theo mưa.

Về phần ảnh hưởng tới ngân hàng do các khoản đầu tư BOT thua lỗ, theo chuyên gia trên, đây là hậu quả của một thời kỳ các nhà đầu tư BOT chủ yếu “tay không bắt giặc”, khi vay tới 85% vốn từ ngân hàng để đầu tư. Các ngân hàng cho vay chủ yếu lại là những ngân hàng mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, về bản chất vẫn là vốn nhà nước, nên đã tới lúc cần phân định rõ điều này. Trong khi đó, có những dự án BOT trên các tuyến quốc lộ chính, như Quốc lộ 1 lưu lượng phương tiện lớn, nhà đầu tư chỉ bỏ ít vốn mở rộng, nâng cấp và thu phí. Những dự án này thậm chí còn “siêu lợi nhuận”.

 Trường hợp dự án thực sự thua lỗ, sẽ buộc phải tính tới phương án tăng phí, hoặc kéo dài thời gian thu phí. Vì nếu khoản vốn vay trở thành nợ xấu thì sẽ tác động tiêu cực lên ngân hàng và thậm chí cả nền kinh tế. Ví như thời kỳ vỡ “bong bóng” bất động sản ít năm trước, khiến tới nay “cục máu đông” nợ xấu vẫn chưa được xử lý xong.

“Trong trường hợp xấu nhất này, nên tính tới phương án kéo dài thời gian thu phí trước khi tính tới tăng phí và nếu có tăng phí cũng chưa nên tăng bây giờ. Việc này cũng rất khó, nhưng cũng không thể để các khoản vay BOT thành nợ xấu, không chỉ vì ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế, nhất là còn phải kêu gọi đầu tư BOT sau này. Các giải pháp cần hài hòa lợi ích các bên, còn giờ ai kêu cũng có lý cả”, ông Đào nói thêm.

MỚI - NÓNG