Bố “cửu vạn”, con đỗ… 32 điểm đại học

Bố “cửu vạn”, con đỗ… 32 điểm đại học
TP - Vượt lên khó khăn về kinh tế, Vi Ngọc Sơn (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) đã học tốt để đỗ ĐH Kinh tế Quốc dân với 32 điểm (kể cả điểm ưu tiên) và ĐH Quốc gia Hà Nội với  27,5 điểm.
Bố “cửu vạn”, con đỗ… 32 điểm đại học ảnh 1
Sơn và bố ngày nhận giấy báo điểm thi ĐH

Nhà Vi Ngọc Sơn, dân tộc Tày nằm sâu hút trong con ngõ nhỏ cuối đường Bà Triệu, phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn). Căn nhà cấp bốn lợp Prôximăng nóng như lò bánh mỳ. Nhưng niềm vui tràn ngập từ khi Sơn đỗ 28,75 điểm vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Ông Vi Văn Bảo (bố của Sơn) cười vui cho biết: Nếu cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên (vùng và thành phần dân tộc) thì tổng điểm của cậu “quý tử” sẽ là 32,25 điểm.

Tiếp phóng viên, Sơn bẽn lẽn không giấu mong muốn ngày được tựu trường, song trong ánh mắt em bỗng chốc lo âu vì câu chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”, nếu tính sơ sơ cũng mất chừng 1,5 triệu/tháng tiền chi trả học phí, ăn nghỉ.

Bố “cửu vạn”, con đỗ… 32 điểm đại học ảnh 2

Sự hăng say học tập đã giúp Sơn đạt điểm cao

Bố “cửu vạn”, mẹ mắc bạo bệnh

Tiếp phóng viên Tiền phong, ông Bảo tâm sự rằng, bản thân ông chỉ tốt nghiệp THPT nên “ít chữ”, không chỉ bảo, dạy dỗ con được nhiều. Sau khi nhập ngũ, công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cao Lộc, đến năm 1989 thì ông ra quân và làm bảo vệ cơ quan Thư viện tỉnh.

Năm 1989, ngày Sơn ra đời cũng là thời kỳ khó khăn của gia đình, ông Bảo nghỉ mất sức lao động, mẹ Sơn mãi không được lương nên khi Sơn được hai tháng đã bế con ra đầu đường bán nước chè kiếm tiền. Được họ hàng, người thân giúp chút tiền, ông Bảo mua chiếc xe máy Minck cà tàng chở khách đi chợ đường biên.

Có hôm, khách “vào cầu” được dăm, bảy chục, có buổi chẳng được đồng nào, đã vậy chủ buôn hàng Trung Quốc bị lừa, nên tiền “cửu vạn” xe ôm cũng thôi. Gần đây, do xăng tăng giá lại càng vắng khách.

Hôm kia, chờ mãi mới được một thanh niên ăn mặc bộ đồ kiểu “quân khu” thuê chở lên cửa khẩu Hữu Nghị, ông định liều đi thì chợt nghe tiếng loa phát thanh của đài Lạng Sơn tường thuật về vụ cướp, giết xe ôm nên chột dạ, đành cáo lỗi với khách, bấm bụng về tay trắng. Tranh thủ kiếm tiền, có người thuê, gọi việc là ông không quản gian khó đi làm ngay như bốc vác, phu hồ, xây nhà…

Rót chén nước chè đưa cho chồng, bà Đặng Thị Nguyên tâm sự: “Cả nhà trông vào đồng lương giáo viên của tôi nên phải cố gắng tích cóp tiền đong gạo. Nhiều khi muốn nghỉ mà không dám. Nói thật với nhà báo, từ khi bị u xơ tử cung, sức khỏe của tôi yếu hẳn. Gần đây lại bị chứng bệnh lao hạch nên khi biết con đỗ 2 trường đại học, vui mừng khôn tả nhưng nỗi lo lại dâng đầy”.

Bà Nguyên cho biết, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) biết sức khoẻ của cán bộ của mình yếu nên động viên, hỏi thăm luôn. Vì cuộc sống cũng như trước sự quan tâm của nhà trường, bà Nguyên vẫn cố đến trường giảng dạy.

Học giỏi và hay bị… mất xe đạp!

Sinh ra trong gia cảnh khó khăn nên sức khỏe không được tốt, song Sơn cố gắng học tập mong đền đáp công sức mẹ, cha. Những hôm thức khuya, Sơn bị cơn sốt cao, co giật làm cho cả nhà tá hỏa. Ngay khi đỡ bệnh em lại tìm đến sách vở. Sơn tỏ ra rất yêu thích các môn Toán, Lý, Hóa.

Suốt ba năm học ở trường chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn), Sơn liên tục dẫn đầu lớp về kết quả học tập các môn tự nhiên. Lớp 11 và lớp 12 Sơn đoạt liền hai giải khuyến khích và giải ba môn Toán kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh (năm học 2007 - 2008).

Ngoài đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với điểm số cao, Sơn vừa được thông báo đỗ thêm trường ĐH Quốc gia Hà Nội với  27,5 điểm.  

Chỉ vào đống sách được sắp xếp gọn ghẽ, Sơn cho biết: Bộ sách ba lớp THPT em còn giữ nguyên vẹn. Ngày tựu trường ĐH sắp đến, Sơn xin phép mẹ nghỉ “xả hơi” 2 ngày, sau đó lại mở sách ra học, bởi em quan niệm rằng cần phải thường xuyên ôn luyện kiến thức.

Trong kỳ thi ĐH vừa qua, không phải vì gia đình nghèo khó, mà Sơn quyết tâm tự học, không đi ôn luyện ở các “lò”. Em bảo: “Kiến thức chính là trong sách giáo khoa và sự trao đổi bài giữa nhóm bạn với nhau”.

Gặp những bài toán khó, Sơn hay điện thoại hoặc trao đổi trực tiếp với một bạn học khá trong lớp. Nếu bí, cả hai cùng lên mạng để học hỏi thêm”.

Sơn đỏ mặt tâm sự: Ngày đỗ vào trường chuyên Chu Văn An, bố mẹ bàn nhau hẳn một đêm rồi mua thưởng cho em chiếc xe đạp. Thế mà chỉ sau gần 2 tháng, trong một lần đi học về muộn, chẳng may bị một gã thanh niên chắn đường, đạp em ngã rồi cuỗm mất xe.

Về nhà, bố mẹ không mắng mà ôm em vào lòng… Chiếc xe đạp thứ hai, em giữ gìn đến hết bậc học phổ thông. Ngày 1/8 vừa qua, để biết kết quả thi ĐH, em đi thành phố Lạng Sơn để lên mạng tra điểm. Thế mà khi ra cửa, chiếc xe dựng sát tấm biển nhà hàng đã “không cánh mà bay”.

Sơn nhẩm tính, học phí một kỳ đã mất 900.000 đồng cộng tiền ăn, ở, sinh hoạt, mua sách vở “ngốn” hết khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Sơn hứa với bố mẹ sẽ cố gắng học để giành học bổng cũng như tiết kiệm chi tiêu. Em lên kế hoạch, đến năm thứ hai sẽ đi làm gia sư để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Chàng trai dân tộc Tày Vi Ngọc Sơn cho biết, em sẽ theo học chuyên ngành Kiểm toán của trường ĐH Kinh tế Quốc dân HN. Hành trang mang theo ngày nhập trường sắp tới là sự quyết tâm và hoài bão lớn.

MỚI - NÓNG