Vì sao phải bãi bỏ?
Bộ Công an vừa công bố dự thảo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về lựa chọn quản lý dân cư bằng hộ khẩu hoặc qua mã số định danh cá nhân. Theo đó, Bộ Công an đưa ra hai phương án quản lý dân cư: Giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu; hoặc Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với phương án 1, Bộ Công an sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này. Tuy nhiên, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình. Trong khi đó, Nhà nước phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu... dẫn tới bộ máy hành chính cồng kềnh, khối lượng hồ sơ lưu trữ rất lớn, tốn kém ngân sách trong việc quản lý, bảo quản.
Với phương án 2, thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; Giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả; Góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội; Là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ trung ương tới địa phương có vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng.
Tiết kiệm nghìn tỷ mỗi năm
Bộ Công an đánh giá, thực trạng hiện nay, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như: CMND, sổ hộ khẩu, chứng nhận kết hôn, chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe… Thậm chí, học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính.
Dự thảo cũng nêu, theo kết quả hệ thống hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, hiện nay có khoảng 2.705 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân. Trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân…
Theo đó, Bộ Công an ước tính khi cập nhật thông tin cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Hiện, việc xây dựng dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được những kết quả bước đầu như hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TPHCM; Tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 địa phương thông qua cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh...
Ngành Công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng hệ thống tàng thư CMND với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu. Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí, rút ngắn thời gian xây dựng. Dự kiến, việc triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.