“Khai tử” sổ hộ khẩu sớm nhất vào năm 2020

Bỏ sổ hộ khẩu, không bỏ quản lý cư trú

Sổ hộ khẩu hiện đang là yêu cầu bắt buộc trong nhiều thủ tục hành chính đối với người dân. Ảnh: Như Ý.
Sổ hộ khẩu hiện đang là yêu cầu bắt buộc trong nhiều thủ tục hành chính đối với người dân. Ảnh: Như Ý.
TP - Trung tướng Trần Văn Vệ- Tổng cục trưởng Cảnh sát cho biết, đầu năm 2020 khi hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu để quản lý dân cư bằng công nghệ, nhằm hạn chế sự chồng chéo, rườm rà về thủ tục, giấy tờ.

Phải sửa đổi Luật Cư trú

Sáng 7/11, trong buổi họp báo thông tin về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư tại trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng hạ tầng thông tin phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan tổ chức, cá nhân.

Cơ sở dữ liệu này có vai trò hết sức quan trọng: Tạo lập một hệ cơ sở dữ liệu dân cư tập trung, thống nhất phục vụ quản lý Nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế; Đơn giản hóa thủ tục hành chính qua tra cứu thông tin, dữ liệu, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian cho người dân; Hỗ trợ ngăn ngừa, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự; Khắc phục tình trạng thu thập, cập nhật thông tin dân cư trùng lặp, gây lãng phí.

Ngày 14/11/2017, Bộ Công an sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại công an tỉnh, huyện, xã trên toàn quốc. Theo đó, cảnh sát địa phương sẽ gửi biểu mẫu khai báo 15 loại thông tin cá nhân của từng người sau đó đối chiếu với dữ liệu có sẵn của công an để xác thực. Dữ liệu sẽ được duyệt và nhập vào phần mềm ứng dụng. Dự kiến trong vòng 2-3 năm tới sẽ hoàn thành dữ liệu dân cư quốc gia.

Dữ liệu này sẽ phục vụ công tác quản lý mọi thủ tục hành chính của công dân. Chỉ cần sai họ, tên đệm của một công dân sẽ dẫn tới những hệ lụy khi làm thủ tục về sau. Vì vậy, Bộ Công an sẽ hướng dẫn tới công an địa phương xây dựng hệ thống thông tin chuẩn xác tới từng hộ dân, từng công dân. “Khi đó, các cơ quan Nhà nước sẽ sử dụng dữ liệu này để giải quyết tất cả các thủ tục cho người dân. Chắc chắn năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu” – tướng Vệ nói.

Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Nghị quyết 112/NQ-CP quy định bãi bỏ hình thức quản lý dân cư, đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu thay bằng hình thức quản lý thông qua mã định danh cá nhân. Quy định này có thể hiểu rằng, bản chất quản lý dân cư không thay đổi mà chỉ áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý.

Việc bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý về cư trú mà thay đổi cách quản lý từ thủ công sang quản lý bằng công nghệ tiến bộ hơn, thuận tiện hơn, nhằm tránh sự chồng chéo rườm rà về thủ tục, giấy tờ. “Để cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả cao nhất, Bộ Công an đã tham mưu, đề xuất Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Luật Cư trú 2006, Luật Sửa đổi bổ sung Luật Cư trú. Ngoài ra, phải sửa đổi 5 thông tư liên tịch, 18 thông tư và 1 quyết định của Bộ Công an”, ông Quang nói.

Thay thế CMND bằng số định danh cá nhân

Ông Trần Văn Vệ thừa nhận, thủ tục cấp CMND làm thủ công, quá trình lăn tay, chụp ảnh, làm thủ tục mất nhiều thời gian. CMND cũng rất dễ bị làm giả, thậm chí có người dùng 2-3 CMND. Đây là kẽ hở trong công tác quản lý, xác định thông tin cá nhân của công dân. Nghị quyết 112/NQ-CP quy định bãi bỏ các nhóm thủ tục hành chính về cấp quản lý CMND, thay thế số CMND bằng số định danh cá nhân. Quy định này được hiểu là chỉ thay thế cách quản lý thủ công bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Từ 1/1/2020, cơ sở dữ liệu sẽ được hoàn tất, tuy nhiên trong luật quy định, không nhất thiết phải đổi CMND. Sau khi dự án hoàn thành, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử. Trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú. Việc bỏ sổ hộ khẩu phải có lộ trình và không thể bỏ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư. “Thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú và CMND từ 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay”, Trung tướng Trần Văn Vệ nói.

Hiện tại, nước ta đang có 3 loại giấy tờ CMND gồm: CMND cũ, CMND mới, căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau. Từ 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành tại 16 tỉnh, thành phố đã triển khai cấp CMND mới đã chuyển sang cấp thẻ căn cước công dân. Bộ Công an đang tổ chức cấp căn cước cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố và cấp CMND (9 số) cho công dân tại 47 tỉnh còn lại.

Cũng theo Trung tướng Vệ, trước khi xây dựng đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, Bộ Công an và Tư pháp tổng hợp tại 24 bộ, ngành xác định, trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính thì các bộ ngành đề xuất đơn giản hóa 1.267 thủ tục. Trong số này, đề xuất hủy bỏ 34 thủ tục; Đơn giản hóa trình tự 28 thủ tục; Cắt giảm thành phần hồ sơ 1.045 thủ tục; Sửa đổi nội dung 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 220 giấy tờ hóa đơn.

Sau khi tổng hợp, Bộ Công an đã đề xuất các phương án đơn giản hóa mạnh mẽ với 406 thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục hành chính có phương án lên tới 1.525 thủ tục hành chính. Bộ Công an đã thí điểm tại Hải Phòng, do đó có kinh nghiệm trong quản lý dân cư, mô hình thực hiện sẽ được nhân rộng tại các tỉnh, thành, huyện, xã địa phương.

Vì vậy, chậm trễ trong thủ tục cấp thẻ căn cước sẽ không ảnh hưởng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân. Chính phủ giao trong 2 năm phải hoàn thành, tuy có nhiều khó khăn nhưng Bộ Công an sẽ cố gắng hoàn thành trong 2-3 năm tới.

“Tới 1/1/2020, CMND sẽ được thay bằng thẻ căn cước trên toàn quốc. Việc thay CMND bằng thẻ căn cước không có nghĩa là xóa bỏ CMND hoàn toàn. Trường hợp người dân chưa đổi sang thẻ căn cước vẫn có thể dùng CMND làm giấy tờ tùy thân, việc này sẽ được cơ quan công an thông báo, đề nghị thay đổi sau đó”, Trung tướng Trần Văn Vệ.

Bỏ sổ hộ khẩu, không bỏ quản lý cư trú ảnh 1 Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin về việc “khai tử” sổ hộ khẩu, CMND. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Bảo mật thông tin cá nhân

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề buổi họp báo, thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát cho biết, dự kiến kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng 3.000 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần mềm quản trị, đào tạo tập huấn cán bộ, tổ chức thu thập dữ liệu… từ trung ương tới cấp tỉnh, huyện, xã địa phương. Do dự án chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công nên vướng về vấn đề chi ngân sách. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an ứng tiền chi trước thực hiện một số vấn đề để triển khai ngay trong năm nay. Đầu năm 2018, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để bổ sung dự án này. Sau khi có nguồn vốn sẽ giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel ứng vốn để triển khai dự án, sau đó Nhà nước sẽ trả.

Theo Luật Căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quan trọng của Nhà nước. Khi khai thác thông tin sẽ có quy định cụ thể, ai được khai thác, phục vụ mục đích gì. Cơ quan quản lý cũng như cơ quan khai thác có trách nhiệm phải đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật đời tư. Thông tin này chỉ được phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, không được sử dụng vào mục đích khác gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối với các tỉnh miền núi, Bộ Công an đã tổ chức khảo sát thực trạng về cơ sở vật chất, hạ tầng, công nghệ thông tin, sổ sách biểu mẫu đang quản lý tới trình độ cán bộ. Đồng thời, Bộ Công an cùng công an các tỉnh xây dựng nhiều phương án thu thập dữ liệu và hướng dẫn cách thức thực hiện tới các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng biên giới. Trên cơ sở đó địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có phương án tổ chức triển khai phù hợp, đạt được hiệu quả nhất không nhất thiết phải theo một phương án cố định nào. “Đối với bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới không biết chữ hoặc người già, ốm đau thì chính quyền cơ sở có thể giúp đỡ, viết hộ”, thượng tá Trần Hồng Phú nói.

1. Nhóm thủ tục Đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã)

a) Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

b) Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.

c) Bỏ “Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)” ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.

d) Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.

 (Trích Nghị quyết 112 NQ-CP)

MỚI - NÓNG